Chung tay ngăn ngừa hiểm họa ma túy

Nam Hoàng| 25/06/2019 06:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, các đơn vị trong hệ thống Tòa án đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhằm đấu tranh và phòng chống loại tội phạm này.

Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án về ma túy

Cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, trong đó có công tác đấu tranh chống các tội phạm về ma tuý nói riêng đã và đang diễn ra khá quyết liệt. Qua công tác điều tra, xét xử cho thấy, nguồn ma túy tràn vào nước ta nhiều nhất từ khu vực “Tam giác vàng”, tập trung qua các tuyến biên giới Việt Nam - Lào; Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Campuchia.

Bên cạnh các cửa khẩu đường bộ, hiện các bến tàu, bến cảng, sân bay quốc tế cũng đều phát hiện tội phạm hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Từ các tụ điểm này hình thành nhiều tuyến, đường dây vận chuyển ma túy vào Việt Nam phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... Tình trạng mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá” có biểu hiện gia tăng nhanh chóng và xuất hiện ở hầu khắp các địa bàn.

Đặc điểm của tội phạm ma túy là hình thành và tổ chức hoạt động theo đường dây, tụ điểm, do vậy các đối tượng phạm tội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các đối tượng phạm tội là người cùng huyết thống, anh em ruột, họ hàng cấu kết chặt chẽ với nhau phạm tội tạo thành đường dây lớn. Phương thức, thủ đoạn phạm tội của chúng hết sức táo bạo, tinh vi, hình thành nhiều đường dây phạm tội xuyên quốc gia, đông người tham gia có tính chất chuyên nghiệp cao.

Chung tay ngăn ngừa hiểm họa ma túy

TAND huyện Bình Chánh tổ chức phiên tòa giả định, thu hút hàng nghìn học sinh

Loại ma túy chủ yếu vẫn là hêrôin, nhưng trong vài năm trở lại đây, ma túy tổng hợp có xu hướng tăng nhanh và xuất hiện nhiều chủng loại mới đặc biệt là ma túy tổng hợp dạng đá. Hầu hết các đường dây vận chuyển ma túy vào Việt Nam đều có vũ trang và phương tiện thông tin, liên lạc hiện đại; sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ gây khó khăn cho việc điều tra, thu thập chứng cứ.

Cùng với sự gia tăng của tội phạm về ma túy là các tệ nạn về ma túy cũng không ngừng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Người nghiện ma túy ngày càng nhiều, nghiêm trọng hơn là các đối tượng phạm tội thường tấn công vào các thành phần học sinh, sinh viên, số người nghiện ngày càng trẻ hóa và đang có xu hướng lan rộng đến tận vùng sâu, vùng xa...

Việc trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy cũng có những diễn biến phức tạp, chủ yếu đều do đồng bào dân tộc ít người ở vùng hẻo lánh, có địa hình hiểm trở nên việc phát hiện, phá nhổ gặp nhiều khó khăn. Địa bàn tái trồng cây thuốc phiện chủ yếu tập trung ở một số tỉnh miền núi, biên giới. Tình trạng trồng cây cần sa đang có xu hướng phát triển ở nhiều địa phương.

Nhằm góp phần phòng chống các loại tội phạm cũng như hiểm họa về ma túy, trong những năm vừa qua, các đơn vị trong hệ thống Tòa án đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp như thụ lý, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm, phức tạp về ma tuý; các vụ án chống người thi hành công vụ trong công tác phòng chống ma tuý. Đồng thời, các đơn vị cũng đã chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, lựa chọn một số vụ án trọng điểm để tập trung điều tra, truy tố và đưa ra xét xử  lưu động tại nơi xảy ra vụ án; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời tuyên truyền về kết quả xét xử, nhằm phục vụ yêu cầu của đợt cao điểm phòng chống ma tuý.

Chung tay ngăn ngừa hiểm họa ma túy

Phiên tòa giả định của TAND huyện Tây Sơn

Đặc biệt, đối với các vụ án ma tuý lớn được dư luận quan tâm, các đơn vị luôn quan tâm, chú trọng đến việc phân công cán bộ, Thẩm phán có trình độ, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn tốt sớm tiếp cận hồ sơ vụ án để nhanh chóng đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Thực hiện đúng các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự trong hoạt động truy tố, xét xử. Đảm bảo các vụ án về ma túy được tiến hành chính xác, đúng pháp luật, không để án quá hạn luật định, tồn đọng; kiên quyết không bỏ lọt tội phạm.

Triển khai thực hiện nhiều giải pháp

Bên cạnh việc xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án về ma túy, chỉ tính riêng trong năm 2018, các đơn vị Tòa án cấp huyện cũng đã áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 21.967 trường hợp. Đồng thời, các cá nhân, đơn vị trong toàn hệ thống Tòa án cũng tích cực, thường xuyên tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, vận động. Đặc biệt là thường xuyên tổ chức các phiên tòa lưu động, phiên tòa giả định về ma túy. Những phiên tòa này đã góp phần làm thay đổi nhận thức đối với nhiều người dân về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do ma túy và các biểu hiện của nó gây ra.

Mới đây, TAND huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) đã phối hợp với Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10, tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy cho gần 1.200 học sinh khối 12 và khối 10 và các thầy cô trong trường.

Trước khi phiên tòa bắt đầu, học sinh được nghe Thẩm phán, chủ toạn phiên tòa nói về các loại ma túy hiện có trên thị trường và các tội danh được đưa ra xét xử tại các phiên tòa. “Bị cáo” tại phiên tòa giả định này là hai bạn trẻ tuổi vị thành niên. Ngoài Thẩm phán là cán bộ của Tòa án huyện Bình Chánh, còn tất cả “Hội thẩm nhân dân” hay “Công an” dẫn giải, giữ gìn trật tự phiên tòa đều do giáo viên và học sinh đóng vai.

Các em học sinh tham dự phiên tòa này được nghe hỏi đáp giữa Hội đồng xét xử và các “bị cáo”, tranh luận giữa đại diện Viện kiểm sát và Luật sư, mức án dành cho tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”... giống như một phiên tòa thực sự.

Cô giáo Võ Thị Hồng Lan, Trường THPT Nguyễn Khuyến chia sẻ: “Những phiên tòa giả định như thế này hết sức bổ ích, giúp học sinh nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, cũng như giúp các em có một buổi học sinh động và thực tế ngoài những giờ học trên lớp”.

Còn em Ngô Lan Hương, học sinh lớp 12 tâm sự: “Lâu nay khi học môn Giáo dục công dân, tìm hiểu về ma túy, chúng em chủ yếu được dạy kiến thức trong sách, rất khô khan và nhàm chán. Đây là buổi học bổ ích và khá mới mẻ, giúp chúng em hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy cũng như hiểu kiến thức về pháp luật hơn”.

Không chỉ hướng tới đối tượng học sinh, nhiều Tòa án còn phối kết hợp với Đoàn thanh niên ở địa phương để tổ chức các phiên tòa giả định về ma túy nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đoàn viên, thanh niên bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị sa đà vào ma túy. Với mục đích sâu xa như thế, mới đây, TAND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã tổ chức “Phiên tòa giả định” tại UBND xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Phiên tòa đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng trăm thanh thiếu niên và người dân tại địa phương.

Chung tay ngăn ngừa hiểm họa ma túy

Những vụ án, con người cụ thể sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân

Nội dung Phiên tòa giả định đề cập đến vấn nạn trên địa bàn huyện Tây Sơn nói chung và xã Tây Giang nói riêng đó là tệ nạn sử dụng, tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy, trong đó có đối tượng thực hiện là thanh thiếu niên. Phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên vụ án có thật, được thể hiện một cách trực quan, sinh động, dễ hiểu và đúng theo trình tự của một phiên tòa thật. Nội dung phiên tòa được lồng ghép với các nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy để những người dự phiên tòa đều hiểu và rút ra bài học, phòng tránh những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Tại buổi tuyên truyền, các đoàn viên thanh niên và người dân trên địa bàn đã được nghe thông tin một số tình hình về việc mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy trên địa bàn huyện Tây Sơn và xã Tây Giang – đây cũng là điểm nóng về ma túy của địa bàn huyện; một số vụ án về ma túy cũng như thông tin về các loại ma túy phổ biến hiện nay; đặc điểm, hình dạng và cách nhận biết các chất ma túy; người nghiện ma túy; tác hại của ma túy và các nguyên nhân dẫn đến tệ nạn ma túy, từ đó đưa ra một số biện pháp phòng ngừa ma túy trong quần chúng nhân dân.

Để ngăn ngừa và đẩy lùi tội phạm, ngoài đấu tranh, không thể thiếu tuyên truyền, vận động. Mỗi một hình thức tuyên truyền đó đều có một tác dụng nhất định, tuy nhiên, qua những phiên tòa lưu động hay phiên tòa giả định của các Tòa án với những vụ án, con người cụ thể sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân. Họ sẽ nhận thức được sâu sắc hơn về những tác hại của ma tuý đối với cuộc sống, từ đó tự giác phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, từng bước đẩy lùi ma tuý ra khỏi cộng đồng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay ngăn ngừa hiểm họa ma túy