Chưa có cơ sở tạm ứng bồi thường oan sai 1 tỷ đồng cho ông Huỳnh Văn Nén

M.Thoa| 31/12/2015 15:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là khẳng định của Bộ Tư pháp tại buổi họp báo sáng nay 31/12 về công tác tư pháp quý 4/2015 khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về trường hợp xin tạm ứng 1 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai của ông Huỳnh Văn Nén.

Do hoàn cảnh khó khăn, để có tiền trang trải cuộc sống của gia đình, ông Huỳnh Văn Nén (53 tuổi, ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận) bị tù oan hơn 17 năm đã đề nghị tạm ứng bồi thường oan sai 1 tỷ đồng.

Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, Cục đã nhận được đơn đề nghị nhưng chưa có cơ sở xem xét tạm ứng 1 tỷ đồng cho ông Huỳnh Văn Nén. Theo quy định của pháp luật bồi thường nhà nước, liên Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp lập dự toán kinh phí bồi thường oan sai. Tuy nhiên, chưa có quy định nào người bị oan sai được tạm ứng tiền bồi thường khi các cơ quan có trách nhiệm bồi thường chưa thụ lý hồ sơ.

Cảm thông về hoàn cảnh khó khăn của ông Nén nhưng ông Hưng khẳng định, việc tạm ứng cho ông Nén 1 tỷ đồng hiện không có cơ sở để thực hiện.

Liên quan đến thông tin, ông Cao Văn Hùng - cựu điều tra viên gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén khai man lý lịch để được được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp khẳng định, trước đây trong quá trình xét duyệt hồ sơ, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, Bộ Tư pháp không nhận được đơn thư, khiếu nại liên quan đến việc này đối với ông Hùng. Qua báo chí phản ánh, Cục đã nhận được thông tin ông Cao Văn Hùng có hành vi khai man lý lịch trong quá trình làm kiểm lâm tại tỉnh Bình Thuận.

Bà Nguyễn Thị Mai khẳng định, không chỉ đối với ông Cao Văn Hùng mà tất cả những trường hợp nào có đơn thư, khiếu nại thuộc quản lý của Cục Bổ trợ tư pháp đều được chúng tôi xử lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Nếu ông Cao Văn Hùng thuộc trường hợp vi phạm đến mức phải thu hồi chứng chỉ theo quy định của Luật Luật sư, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện theo đúng quy định.

Chưa có cơ sở tạm ứng bồi thường oan sai 1 tỷ đồng cho ông Huỳnh Văn Nén

Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi họp báo

Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, Cục Bổ trợ tư pháp cần kiểm tra và rà soát kỹ lưỡng về trường hợp này. Nếu đúng như thông tin báo chí phản ánh thì đề xuất với Liên đoàn Luật sư Việt Nam xử lý.

Cũng tại buổi họp báo, các ý kiến cũng băn khoăn về quy định mới trong BLHS về việc nộp tiền để không phải thi hành án tử hình, mà cụ thể là trường hợp của bị cáo Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam). Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, theo quy định của Bộ luật Hình sự và nghị quyết của Quốc hội, trường hợp chuyển hình phạt tử hình sang chung thân, bị án phải khắc phục được 3/4 thiệt hại và có thái độ hợp tác tích cực trong quá trình giải quyết vụ án. Đối với trường hợp của Dương Chí Dũng - người đã bị kết án, thuộc trách nhiệm rà soát của Bộ Công an. Còn các vụ đang ở giai đoạn truy tố, xét xử thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân. Hiện nay Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối và đang xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch này sẽ quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc các trường hợp quy định tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 nhưng chưa có con số cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, theo như bản án, Dương Chí Dũng phải nộp 218 triệu đồng án phí và liên đới bồi thường 110 tỷ đồng. Đến nay, Dương Chí Dũng mới tự nguyện nộp được 5,2 tỷ đồng.

Còn đối với các vụ án tham nhũng Vinashin, Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vinashin), theo quyết định của bản án phải nộp 651 triệu đồng án phí, liên đới bồi thường hơn 542 tỷ đồng. Hiện, Phạm Thanh Bình đã thi hành xong án phí nhưng mới bồi thường 1,73 tỷ đồng….

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, quý 4/2015, Cục Kiểm tra văn bản đã kiểm tra 421 văn bản, phát hiện 12 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền, nâng tổng số văn bản đã kiểm tra cả năm lên 2.248 văn bản và 51 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền, chiếm 2,3% tổng số văn bản được kiểm tra.

Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định 32 thủ tục hành chính tại 7 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đề nghị không quy định 9 thủ tục, sửa đổi 18 thủ tục không hợp lý. Cùng với đó, tham gia ý kiến đối với 173 thủ tục hành chính tại 29 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và đã đề nghị không quy định 19 thủ tục, sửa đổi 127 thủ tục không hợp lý. Tính chung cả năm 2015, Bộ đã tiến hành thẩm định 528 thủ tục hành chính tại 72 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiến nghị không quy định 114 thủ tục, sửa đổi 392 thủ tục hành chính không hợp lý, không cần thiết, chiếm 95,8% số thủ tục hành chính quy định tại văn bản…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa có cơ sở tạm ứng bồi thường oan sai 1 tỷ đồng cho ông Huỳnh Văn Nén