Chính quyền “đứng ngoài cuộc”?

congly.com.vn| 13/04/2012 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cảnh cầu vong tại trung tâm của cô Hạnh ở xã Nam Cát (Nam Đàn)

Đất nước ta đã trải qua những năm tháng chiến tranh kéo dài, biết bao đồng bào chiến sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc. Không ít người trong số họ, đến nay người thân vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Mới đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều người, nhiều trung tâm tự nhận có khả năng ngoại cảm tìm kiếm được mộ liệt sỹ. Tuy nhiên, thực hư chuyện này như thế nào? Câu hỏi này chưa có lời giải đáp.

Thi nhau thành lập “Trung tâm”

Bắt đầu từ điểm đầu tiên, tự nhận là Trung tâm tìm kiếm mộ liệt sỹ của cô Phan Thị Hạnh (SN 1980) ở xóm Hòa Hội, xã Nam Cát (huyện Nam Đàn - Nghệ An), hoạt động từ cuối năm 2010. Cô Hạnh trước đây làm nghề nuôi dạy trẻ tại Hà Nội. Tháng 9-2010, sau khi đi tìm mộ của chú ruột là liệt sỹ Phan Văn Dũng về thì cô Hạnh nói rằng “vong” của chú nhập vào và chỉ đạo cô Hạnh phải giúp đỡ chú đưa đồng đội của chú về quê an nghỉ. Và, cô bắt đầu lập bàn thờ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Sau khi cô Hạnh mở trung tâm tìm kiếm mộ liệt sỹ một thời gian, thì những tháng gần đây hàng loạt "trung tâm" đã xuất hiện sau khi một số người đi tìm mộ liệt sỹ tại điểm cô Hạnh về.

Cô Lê Thị Hoà ở xã Xuân Hoà (huyện Nam Đàn) cũng tự nhận mình có khả năng tìm mộ do được "vong" liệt sỹ nhập vào và điểm cô Hoà bắt đầu hoạt động từ tháng 3-2011; điểm của cô Nguyễn Thị Phương Mai (ủy nhiệm cho anh rể là Trần Văn Vinh chủ trì mở tại nhà Trần Xuân Hạnh (em anh Vinh) ở khối Sa Nam, thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn), hoạt động từ tháng 4-2011; cô Nguyễn Thị Sâm, (SN 1985) ở xóm 5, xã Nam Trung (huyện Nam Đàn) hoạt động từ tháng 4-2011; Lê Hoài Nam (SN 1984) ở xóm 1, xã Nam Cường (huyện Nam Đàn) cũng hoạt động từ thời điểm trên...

Tại huyện Hưng Nguyên cũng "mọc" lên 4 điểm, trong đó có 2 điểm của cô Phạm Thị Thương tại xã Hưng Đạo và cô Lê Thị Kiều ở thị trấn Hưng Nguyên. Rồi ở Diễn Châu cũng ra đời 1 điểm, Đô Lương có 2 điểm, TP. Vinh cũng xuất hiện 2 điểm và Yên Thành 1 điểm (thời điểm này ở Yên Thành đã dừng hoạt động). Tất cả các điểm đều áp dụng hình thức tìm mộ bằng phương pháp tâm linh. Trình tự gồm: Các gia đình liệt sỹ đến đăng kí danh sách, để số điện thoại lại, khi nào người "chỉ huy" (người tự nhận có khả năng tìm kiếm mộ) làm lễ gọi được "vong" liệt sỹ về thì gọi điện thoại cho gia đình đến lập bàn thờ, cầu "vong" tại các điểm tìm kiếm. Tuỳ theo thời gian (từ 2-50 ngày) khi nào "vong" của liệt sỹ về nhập vào người nhà và cho phép đi tìm mộ thì gia đình sẽ tiến hành đi tìm. Một số điểm còn có "dịch vụ trọn gói", đó là đi cất bốc mộ liệt sỹ về cho gia đình người thân. Riêng điểm tìm kiếm mộ của cô Lê Thị Kiều ở khối 7, thị trấn Hưng Nguyên thì khác, thay vì phải đến cầu ở sân nhà cô, người nhà chỉ cần đăng ký tên liệt sỹ cần tìm mộ. Cô Kiều thắp hương, sau đó gia đình xin chân hương về cầu tại gia.

Tại điểm tìm mộ liệt sỹ ở xóm 7, xã Diễn Thái, Diễn Châu, gần như liên tục có người vào ra tấp nập. Chủ nhà là ông Nguyễn Xuân Nguyệt (SN 1962) là một thầy cúng, kiên trì ngồi và hành lễ cho đến khi có hiện tượng lên đồng, nhập hồn nói chuyện. Hiện trung bình ở đây mỗi ngày có hàng trăm người được ngồi theo từng ô, mỗi ô có từ 5-7 người cầu cúng, có những nhóm thì hò hét, cổ vũ để "vong" liệt sỹ nhanh về; có nhóm thì ngồi thủ thỉ, động viên để "vong" nói... Khi tìm được mộ liệt sỹ thì gia đình sẽ quay lại tạ lễ. Thường mỗi ngày có khoảng 20 trường hợp "nhập đồng" để nói chuyện. Những trường hợp khác, nếu may mắn thì ngồi gần 1 ngày là "nhập vong", khó gọi thì có gia đình ngồi đến nửa tháng vẫn chưa gặp được "vong" liệt sỹ.

Và dịch vụ "chặt chém"

Từ khi những lời đồn thổi về các điểm tự xưng trung tâm tìm kiếm mộ liệt sỹ, lượng người tìm về những địa điểm này ngày càng đông. Các dịch vụ "ăn theo" cũng xuất hiện với giá cả "trên trời". Chúng tôi đến điểm tìm kiếm mộ của cô Phan Thị Hạnh ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn vào một ngày cuối tháng 6. Biển quảng cáo các dịch vụ treo dọc theo các trục đường từ đầu làng đến cuối xóm. Vừa rà xe tiến vào, ngay lập tức chúng tôi bị bao vây tứ phía bởi những lời mời chào và hướng dẫn: "Mua hoa, mua hương đi các chú, liệt sỹ là nam thì 10 thẻ, nữ thì 12 thẻ. Mua nến luôn đi con, kiểu chi vô đó cô Hạnh cũng yêu cầu phải có nến!".

Trong vai người đi tìm mộ, chúng tôi mua một bó hương (10 thẻ) với giá 30.000 đồng và một bó hoa cúc 35.000 đồng. So với thị trường, giá các mặt hàng này tại đây gấp 2-3 lần. Không chỉ hàng hóa phục vụ cho việc làm lễ tìm mộ liệt sỹ bị đẩy giá mà các dịch vụ ăn, nghỉ cũng có giá không mấy dễ chịu. Một người đi tìm mộ tên Long nói: "Một suất cơm thấp nhất cũng có giá 30.000 đồng chú ạ, nhà tôi đi 7 người mỗi bữa mất 210 ngàn tiền ăn, chưa kể tiền thuê chỗ ngủ. Gần 1 tháng rồi mà chưa thấy cô Hạnh bảo "vong" về, không biết thế nào nữa...".

Vào bệnh viện tâm thần vì "vong" nhập

Tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An hiện nay đang điều trị 20 trường hợp phát bệnh "thần kinh" sau khi đi tìm mộ tại các điểm tự nhận có khả năng tìm mộ bằng phương pháp tâm linh. Một bệnh nhân ở xã Thanh Thuỷ (huyện Thanh Chương, Nghệ An) mình mẩy thâm tím, rơi vào hoảng loạn vì bị người nhà đánh, do trong quá trình lên đồng, vong không về nên được khuyên là "đánh cho mạnh để liệt sỹ về". Trường hợp khác ở huyện Đô Lương, thì do khi "vong" về không thoát được, cũng bị người nhà dùng bùa yểm, roi dâu để đánh đập đuổi tà ma gây thương tích.

Chúng tôi mục sở thị nơi nghỉ mà gia đình anh Long đang thuê. Một căn phòng chỉ chừng 20m2, tường loang lổ, không có giường, trên nền nhà trơ trọi 2 chiếc chiếu cũ nhàu. Để có một chỗ ngủ nằm lăn lóc giữa nền nhà ẩm thấp như vậy, gia đình anh phải trả từ 15-20.000 đồng/ngày-đêm/người. Điều kiện sinh hoạt khác không có, thế nhưng vì lượng người đến quá đông nên đối với nhiều người, có một chỗ để đặt lưng sau khi ngồi "chầu" cả ngày đã là may mắn. Nhiều gia đình từ trước tới nay chỉ biết làm ruộng, quanh năm chân lấm tay bùn, được dịp này chuyển sang kinh doanh dịch vụ ăn uống, ngủ trọ... nên khấm khá lên hẳn.

Tìm hiểu được biết, chi phí cho việc tìm kiếm mộ bằng phương pháp "tâm linh" kiểu này rất tốn kém. Một số gia đình phải vay mượn tiền bạc, cầm cố tài sản để theo đuổi việc tìm kiếm mộ. Tình trạng thương mại hóa, "móc túi" những người tìm đến các điểm tìm kiếm mộ đang diễn ra rất phức tạp. Không ít gia đình phải bằng lòng với kết quả do các điểm tìm kiếm xác định, mặc dù chưa tìm được hài cốt của người thân hoặc chỉ khai quật được nắm đất đen, chùm rễ cây.

Ông Hồ Sỹ Nuôi ở thị trấn huyện Hưng Nguyên ngậm ngùi: "Gia đình chúng tôi mong đem được con về với quê cha đất tổ nên cũng chạy vạy lo tiền để cầu vong đưa hài cốt về, nhưng giờ tiền thì mất, hài cốt cũng không thấy đâu. Năm nay tôi hơn 80 tuổi rồi, không biết đến bao giờ mới được đón con về?". Còn anh Phan Sỹ Hợp ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên ngán ngẩm cho biết: Ngoài số tiền bỏ ra cầu cúng trong 1 tháng trời tại điểm của cô Thương, gia đình đã phải chi tiền thuê xe và hàng chục triệu tiền chi phí ăn ở trong thời gian vào Nam tìm mộ liệt sỹ. Tất cả xe cộ đi lại đều phải sử dụng dịch vụ của chính điểm tìm kiếm mộ của cô Thương. “Mà giá cả thuê xe ở các điểm này thì đắt hơn thuê ngoài, nhưng mình cần thì phải lụy thôi chứ biết làm sao!". Anh Hợp nói.

Rõ ràng, tìm được hài cốt liệt sỹ là khát vọng của các gia đình, cũng là trách nhiệm và mối quan tâm của cả dân tộc. Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin của thân nhân liệt sỹ để các trung tâm hành nghề và cầu lợi là điều cần phải xem xét, đồng thời cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phùng, Phó Giám đốc sở LĐTB & XH Nghệ An cho biết: “ Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra. Hiện nay, Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương kiểm tra chặt chẽ các nghĩa trang liệt sỹ và hướng dẫn nhân dân về việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ để tránh những điều đáng tiếc xảy ra ”.

Mong rằng, chính quyền tỉnh Nghệ An cần rốt ráo vào cuộc và có biện pháp chấn chỉnh để tránh tình trạng “quá mù ra mưa” gây ra những hệ luỵ khó lường.

Giang - Tiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền “đứng ngoài cuộc”?