Việt Nam chính thức tiếp nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Xuân Lan| 04/11/2019 21:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phát biểu tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố Chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

19h30 tối ngày 4/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Grand Diamond tại thủ đô Bangkok, Thái Lan đã diễn ra lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam.

Lễ chuyển giao diễn ra ngay sau lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan.

Trong lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan và công bố Chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020.

Việt Nam chính thức tiếp nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa chuyển giao quyền lực Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh VGP

Theo đó, vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 đã được Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trao cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ tin tưởng "Việt Nam sẽ tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan với niềm tự hào và thực hiện giấc mơ của ASEAN nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác để duy trì hòa bình, tự do, an ninh và thịnh vượng trong khu vực trong hiện tại và tương lai".

Gắn kết và Chủ động thích ứng

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảm ơn Ngài Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã trao cho “chiếc búa quyền lực” của nước Chủ tịch ASEAN mà Việt Nam vinh dự tiếp nhận sau nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2019 thành công tốt đẹp của Thái Lan.

"Cùng với những thành quả mà Cộng đồng ASEAN đã tạo dựng được những năm qua, kết quả tích cực của ASEAN năm 2019 dưới tinh thần chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững” sẽ là nền tảng thuận lợi để chúng tôi bước vào đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, một năm có ý nghĩa quan trọng đối với cả ASEAN và Việt Nam", Thủ tướng bày tỏ.

Theo Thủ tướng, năm 2020 đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung. Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu về 3Cs (Contunity, Complementarity, Creativity) mà Thủ tướng Chan-o-cha phát biểu hôm nay.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh các nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng đang được đẩy mạnh, trước những biến động mau lẹ, phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN. Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc Cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân ASEAN.

"Những năm qua, chúng ta đã quan tâm thúc đẩy năng lực tự cường, tinh thần sáng tạo và tính bền vững của Cộng đồng ASEAN. Tiếp nối những nỗ lực đó, trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia… đang hàng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân.

"Với ý nghĩa ấy, chúng tôi lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là Chủ đề của năm ASEAN 2020. Hai thành tố này có sự giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau. Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.

Việt Nam trông đợi sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN và các Đối tác để hiện thực hóa tinh thần Chủ đề của Năm ASEAN 2020", Thủ tướng mong muốn.

Cuối bài phát biểu Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng, cộng đồng ASEAN đã lớn mạnh và trưởng thành vững vàng hơn 5 thập kỷ qua. Đã đến lúc chúng ta cùng đẩy mạnh tư duy, cùng hành động như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Hãy tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng.

Tại buổi lễ, video ngắn giới thiệu về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam được trình chiếu.

Clip lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam. Truyền hình Thông tấn

Cơ hội phát huy khả năng của Việt Nam trong việc dẫn dắt Cộng đồng ASEAN

Theo tiến trình, đến năm 2020, ASEAN sẽ đi được nửa chặng đường triển khai các kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng ASEAN (2025). Do đó, việc tổ chức thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhìn lại, đánh giá những gì đã làm được theo kế hoạch và định hướng chính xác những gì cần phải làm trong thời gian tới để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Công đồng ASEAN vào năm 2025.

Chủ đề và các ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ bảo đảm nhất quán với các ưu tiên ASEAN trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tiếp nối ưu tiên của các năm Chủ tịch trước, tập trung vào thúc đẩy gắn kết nội khối và khả năng thích ứng của ASEAN trước những biến động của thời cuộc.

Ở giai đoạn trước đó, ngay từ khi trở thành thành viên của ASEAN năm 1995, Việt Nam đã luôn là thành viên tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong thúc đẩy hợp tác ASEAN.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam, minh họa rõ nét nhất về sự tham gia tích cực của Việt Nam là Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Có thể nhóm các cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò và đóng góp cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN thành hai nhóm: một là các cơ hội theo cơ chế luân phiên của ASEAN như Nhiệm kỳ nước Điều phối quan hệ ASEAN với một đối tác; hai là các cơ hội do Việt Nam chủ động đề xuất và được ASEAN thống nhất.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, đối với nhóm một, Việt Nam đã có Năm Chủ tịch ASEAN 2010 thành công trong tất cả các lĩnh vực, được các nước thành viên và đối tác đánh giá cao; các nhiệm kỳ điều phối quan hệ đối tác thành công với các đối tác lớn và quan trọng của ASEAN như Trung Quốc, EU, Ấn Độ và vừa nhận vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021 với nhiều kỳ vọng.

Đối với nhóm hai, Việt Nam đã chủ động đi đầu trong các nội dung có lợi thế và kinh nghiệm như hợp tác viễn thông, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển… Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam chủ động nhận vị trí Chủ tọa Nhóm Đầu tư trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay Chủ tọa Nhóm Dịch vụ trong đàm phán FTA ASEAN-Nhật Bản và đang thể hiện tốt vị trị của mình.

Đánh giá về vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, Việt Nam vừa có trách nhiệm vừa có cơ hội. Việt Nam phải nỗ lực để duy trì được đà tiến triển của ASEAN. Những gì ASEAN đã đạt được, Việt Nam cần phát huy, thúc đẩy để xây dựng Cộng đồng vững mạnh hơn. Đồng thời, Việt Nam phải dẫn dắt để ASEAN không những vững mạnh về mặt nội bộ, mà còn phải tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực cũng như đóng góp vào tiến trình, sự quan tâm của toàn cầu.

"Đây là cơ hội của Việt Nam trong việc thể hiện vai trò chủ nhà, là phép thử cho sự trưởng thành; là cơ hội rất tốt để phát huy khả năng của Việt Nam trong việc dẫn dắt Cộng đồng ASEAN, quảng bá đất nước để khu vực và thế giới hiểu hơn về Việt Nam", Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chính thức tiếp nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020