Tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Trung ương: Nên có cơ chế đặc thù để Tòa án thực thi nhiệm vụ

Mai Thoa| 13/09/2018 06:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có đến hơn 57.000 viên chức bị thừa vẫn hưởng lương từ ngân sách, nhưng hệ thống TAND đang rất áp lực bởi thiếu biên chế trầm trọng, nhiều người xin chuyển công tác vì công việc quá áp lực… là thực tế đang diễn ra hiện nay.

Việc tinh giản biên chế và cải cách bộ máy hành chính nhà nước hiện nay là cần thiết, song Tòa án vẫn rất cần có cơ chế đặc thù.

Hơn 57.000 vị trí viên chức bị thừa

Ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó nêu rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp tinh giản biên chế. Tiếp đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt hiệu lực, hiệu quả. Đây chính là cơ sở pháp lý để thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước nói riêng trong thời gian tới.

Một trong những yếu tố để thực hiện tinh giảm biên chế, là đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước để có cơ sở xác định nhiệm vụ và yêu cầu về năng lực thực hiện nhiệm vụ tại mỗi vị trí công việc trong cơ quan, tổ chức. Đề án vị trí việc làm chính là khâu mấu chốt để tiến hành xác định mức độ phù hợp về năng lực cũng như để đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, tạo cơ sở cho việc xác định chính xác những đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế.

Hiện nay chúng ta đang đi kèm với công tác cán bộ là tinh gọn bộ máy hành chính và vấn đề này đã được Quốc hội giám sát tối cao. Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước công bố, qua kiểm toán những vấn đề có liên quan đến cán bộ và đã phát hiện có hơn 57.000 vị trí viên chức bị thừa mà vẫn nhận lương từ ngân sách nhà nước. Con số trên 57.000 vị trí việc làm này không chỉ là vấn đề tiền lương mà còn là vấn đề trang bị và các chính sách khác, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Để khắc phục tình trạng này, theo TS Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chúng ta phải sắp xếp theo vị trí việc làm chứ không thể “bốc thuốc” đối với công tác cán bộ. Trước đây, chúng ta làm theo kiểu áng chừng, một thời gian dài cứ để cho các cơ quan, đơn vị thích thì tuyển, không thích thì thôi. Từ đó dẫn đến thực trạng cùng một quy mô sở, ngành nhưng chỗ này 50 người, chỗ khác lại 40; chỗ này hệ thống tổ chức chức danh có 1 trưởng, 2 phó, nhưng chỗ khác là 3 - 4 phó, thậm chí 5 - 6 phó phòng..., vì thế mới dẫn đến câu chuyện của tỉnh Hải Dương, một sở có tới 44/46 người là lãnh đạo.

Tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Trung ương: Nên có cơ chế đặc thù để Tòa án thực thi nhiệm vụ

Ảnh minh họa

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai vấn đề này và một trong những nhiệm vụ chính là phải làm sao sắp xếp đội ngũ cán bộ đảm bảo chuẩn cả về số lượng lẫn chuyên môn. Nhưng, muốn sắp xếp vị trí việc làm một cách hiệu quả phải xác định rõ nhu cầu về lao động, từng khâu của mỗi cơ quan, kể cả vị trí lãnh đạo.

Nên có cơ chế đặc thù với Tòa án

Nhiều nơi thừa viên chức như vậy, nhưng hệ thống TAND hiện nay lại đang rất chật vật vì thiếu biên chế làm việc, trong khi lượng án tăng cao hàng năm. Những khó khăn về biên chế vẫn chưa được tháo gỡ thì gần đây tình trạng Thẩm  phán quá áp lực vì công việc quá tải xin chuyển công tác đã diễn ra.

Đầu tháng 7 vừa qua, không ít người giật mình khi biết thông tin nhiều Thẩm phán tại TP. Hồ Chí Minh xin chuyển công tác vì áp lực công việc. Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh lúc đó cũng đã cho hay, việc xin nghỉ của các Thẩm phán, Thư ký không phải do địa bàn xa xôi, do khoảng cách địa lý khi đi làm mà là do áp lực công việc, về số lượng án mà họ phải giải quyết. Tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm một Thẩm phán phải thụ lý 116 vụ, trung bình là 10 vụ/tháng. Trong khi chỉ tiêu TANDTC đưa ra chỉ là từ 4-6 vụ/tháng. Đây là một áp lực quá lớn đối với các Thẩm phán tại TP. Hồ Chí Minh.

Điều đáng nói, con số 10 vụ/tháng là tính chung cho hai cấp thành phố và quận, huyện. Còn thực tế có những quận, huyện có Thẩm phán phải thụ lý lên đến 18 vụ/tháng. Nếu tính số ngày làm việc thì mỗi Thẩm phán chỉ có khoảng hai ngày để giải quyết xong một vụ án. Và, con số này chỉ tính theo bình quân, chưa tính đến các trường hợp đang chờ tái bổ nhiệm, nghỉ thai sản… Thậm chí khi ốm, nhiều Thẩm phán cũng không dám nghỉ dù đó là quyền vì sợ không đủ thời gian giải quyết công việc.

Ngoài ra, Thẩm phán, thư ký còn phải chịu áp lực về chất lượng xét xử. Họ có quá ít thời gian để nghiên cứu, làm hồ sơ án chuẩn bị xét xử; hệ thống pháp luật ngày càng đồ sộ với rất nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, trong khi đó, tình hình tội phạm và tranh chấp dân sự ngày càng đa dạng, phức tạp. Những quy định của pháp luật ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi các Thẩm phán, Thư ký luôn phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nắm bắt được những thay đổi lớn trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội. Nếu họ không cập nhật kiến thức, cập nhật thông tin thì khi giải quyết vụ án dễ dẫn đến sai lầm.

Áp lực không chỉ đối với Thẩm phán, thư ký còn đến từ bị cáo, đương sự và người nhà của họ. Với án hình sự, nhất là án phạm tội có tổ chức, Thẩm phán có thể bị đe dọa, trả thù. Còn án dân sự, sau khi HĐXX ra phán quyết, đương sự lập tức có những phản ứng gay gắt vì thua kiện. Với 10 vụ án/tháng thì Thẩm phán khó có thể suy đoán trước thái độ của tất cả người có liên quan để đề phòng.

Qua công tác thống kê xét xử thực tiễn cho thấy số lượng các loại việc thuộc thẩm quyền của TAND tăng hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, số lượng biên chế 15.237 người được UBTVQH phân bổ từ năm 2012, tại thời điểm đó số lượng các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án các cấp phải giải quyết hơn 303.848 vụ việc/năm. Đến nay lượng vụ việc phải giải quyết tăng hơn 40%, (dự kiến những năm tới còn tăng cao hơn nữa). Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014, một số Tòa án được thành lập mới, như 3 Tòa cấp cao, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; tại TAND cấp huyện có Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc…

Trước thực tế này, nhiều Tòa án cũng đã kiến nghị, trước mắt, do lượng án quá lớn (chiếm 1/4 cả nước) và có xu hướng tăng cao, không giảm biên chế, được giữ nguyên số lượng thư ký, Thẩm phán. Hiện nay một Thư ký có thể phải giúp việc cho 2-3 Thẩm phán, trong khi Thư ký là chức danh tố tụng phải làm rất nhiều việc. Còn Thẩm phán thì lượng án giải quyết không hề nhỏ. Lượng án tăng, đáng lẽ phải tăng biên chế nhưng theo chủ truơng chung phải chấp hành, giữ nguyên đã là giảm. Còn nếu phải giảm biên chế thì xin giảm theo lộ trình, cụ thể giảm hai thư ký thì tuyển một, không thể theo phương án cắt biên chế thư ký không tuyển dụng vì như vậy về sau sẽ hụt nhân sự, không có người bổ nhiệm. Việc giảm theo lộ trình mới có thể bổ sung nhân lực trẻ cho ngành.

Để thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, TANDTC đề xuất: từ nay đến 2021 sẽ thực hiện tinh giản 10% biên chế trong các TAND. Đối tượng tinh giản gồm những người có năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu công tác; sức khỏe không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ; có nguyện vọng nghỉ việc theo quy định của Chính phủ. Đồng  thời, cho phép TAND tuyển dụng bổ sung 10% số công chức, viên chức đã tinh giản có chất lượng tập trung vào các chức danh tư pháp để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Trong các phiên họp UBTVQH, rất nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này của TANDTC. Bởi tình hình thực tế rất khó khăn, tội phạm ngày càng gia tăng, lượng vụ án phải xét xử vì vậy cũng tăng theo. Thực hiện nghị quyết về tinh giản biên chế nhưng cũng phải xem xét thực tế, đặc thù của ngành Tòa án công việc nhiều, nặng nề về chuyên môn và áp lực từ nhiều phía nên cần có cơ chế đặc thù riêng chứ không thể áp dụng như các cơ quan hành chính đơn thuần.

 Theo kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án vị trí việc làm, TANDTC xây dựng kế hoạch hai giai đoạn. Cụ thể là từ nay đến 2021: Giữ nguyên số lượng biên chế đã được UBTVQH phê duyệt năm 2012 là 15.237 người; Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau khi tinh giản, TANDTC tuyển dụng bổ sung số biên chế đã tinh giản để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí chuẩn chức danh công chức trong hệ thống TAND để làm cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Trung ương: Nên có cơ chế đặc thù để Tòa án thực thi nhiệm vụ