Xuất khẩu tăng nhưng vẫn lo

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại cuộc giao ban của Bộ Công Thương về xuất khẩu 9 tháng đầu năm và tìm giải pháp cho kế hoạch xuất khẩu năm 2012, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đánh giá, tình hình xuất khẩu trong 9 tháng có mức tăng trưởng dương nhưng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn và nguyên liệu.


Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng khá, nhưng trong buổi giao ban, nhiều DN xuất khẩu vẫn “than” khổ. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hầu hết các thị trường chủ lực (Hoa Kỳ, Nhật và EU) vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, tiền tệ, gây ảnh hưởng trực tiếp cho hàng dệt may của Việt Nam. Hiện nay, chỉ có những DN lớn có thương hiệu, uy tín trên thị trường mới có được đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2011, nhiều DN nhỏ và vừa đang rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn ở tình trạng thiếu nguồn vốn để mở rộng sản xuất.

Xuất khẩu cao su đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Internet

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt 4,41 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ, nhưng theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong những tháng cuối năm, ngành chế biến thủy sản vẫn phải đối mặt với tình hình thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng cá tra và hải sản đánh bắt do tình trạng bỏ ao nuôi cá trong năm 2010 và cạnh tranh mua nguyện liệu thủy sản của các thương nhân nước ngoài.

Ngoài những dấu hiệu bất ổn của kinh tế thế giới, lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng trong khu vực và trên thế giới đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, trong đó khó khăn nhất vẫn là DN nhỏ và vừa. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản kiến nghị có chính sách ưu đãi cho việc nhập nguyên liệu thủy sản chế biến hàng xuất khẩu; giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thủy hải sản về mức 1%, thay vì 18-20% như hiện nay.


Trước khó khăn của DN, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất, ưu tiên tín dụng cho DN thu mua nông sản, đặc biệt hàng nông sản có tính thời vụ; tiếp tục hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay phục vụ sản xuất xuất khẩu thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như tái cấp vốn, chiết khấu nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu tăng nhưng vẫn lo