Thành lập đặc khu kinh tế ở Việt Nam: Bao giờ "gà đẻ trứng vàng"?

Nguyễn Huyền| 02/04/2014 10:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từng dự tính từ hơn 20 năm trước, lại có lợi thế rất lớn nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một đặc khu kinh tế (ĐKKT) nào được xây dựng theo đúng nghĩa. Và, bây giờ chúng ta vẫn đang "loay hoay" trong nỗ lực để sớm có những ĐKKT đầu tiên…

Đi sau và bài học từ Thâm Quyến

Ba mươi năm trước, ĐKKT Thâm Quyến đã đi đầu cả Trung Quốc để từ một làng chài nhỏ giờ trở thành một đô thị lớn quốc tế hóa. Là nước đi sau, Việt Nam cần phải làm gì để có thể xây dựng ĐKKT với sự khác biệt, có sức hấp dẫn so với các ĐKKT khác của các nước láng giềng?

Đến nay, Việt Nam mới có 15 khu kinh tế ven biển với diện tích khoảng 54.000ha. Thể chế của các khu kinh tế này tuy có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thu đất... nên chưa đủ sức cạnh tranh so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới. Hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này. "Mô hình ĐKKT đã thành công ở nhiều quốc gia từ hơn ba thập kỷ qua nhưng với Việt Nam là vấn đề mới", bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khoá XI) đã ghi rõ: "Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt". Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam chỉ đạo xây dựng 3 đặc khu kinh tế tại ba địa phương có tiềm năng là Vân Đồn - Quảng Ninh; Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang nhằm tạo động lực phát  triển cho từng vùng và cả nước. ĐKKT cũng là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước.

Thành lập đặc khu kinh tế ở Việt Nam: Bao giờ

Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa

Từ thuở ban đầu mới thành lập, đặc khu kinh tế Thâm Quyến đã ý thức được tầm quan trọng của ngành dịch vụ tài chính vì điều gây tranh cãi nhất chính là không có kinh phí xây dựng. “Cho tới nay, đặc khu vẫn có những chính sách đặc thù để thu hút các tổ chức tài chính mở ra tại Thâm Quyến”, GS Lý Quốc Hoa, Viện Kinh tế, Đại học Thượng Hải cho biết. Theo chỉ số phát triển của Trung tâm tài chính Down Jones năm 2013, Thâm Quyến xếp thứ hạng 15 trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu. Thâm Quyến đã có bước phát triển phi thường về kinh tế, GDP từ 179 triệu tệ năm 1979 tăng lên gần 1.450 tỷ tệ vào năm 2013.

Cũng phải kể đến lý do quan trọng mà Trung Quốc đã chọn Thâm Quyến để xây dựng ĐKKT vì khu vực này rất gần Hồng Kông, một thị trường vốn lớn, có khoa học công nghệ phát triển, kinh nghiệm quản lý tốt do người Anh gây dựng. Có thể thấy, yếu tố địa lợi cũng rất quan trọng đối với sự thành công của việc xây dựng ĐKKT.

Quay trở lại với Việt Nam, GS.TS. Võ Đại Lược cũng là người đã nhiều lần đề cập đến vấn đề thành lập ĐKKT ở Việt Nam lưu ý “bây giờ bàn việc lập ĐKKT là hơi muộn song vì đã hơi muộn thì nên quyết làm luôn”.

Làm tổ cho "phượng hoàng"

Thâm Quyến từ một khu vực không có gì nhưng nhờ thể chế vượt trội, quyết tâm chính trị đã trở thành một ĐKKT thành công điển hình. Hiện nay, Việt Nam đang trong những bước đầu tiên xây dựng ĐKKT và cũng có mấy điểm khó, mà điểm khó đầu tiên, như với Vân Đồn (Quảng Ninh) hiện nay là không gần một đặc khu nào như Hồng Kông, lại phải cạnh tranh khốc liệt.

Chính vì vậy, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, yêu cầu đầu tiên là cần một thể chế hiện đại và vượt trội để thu hút nhân tài, thu hút đầu tư xây dựng các ĐKKT, nếu không vượt trội được thì cũng không thể kém thể chế ở các quốc gia lân cận.

PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, mức độ khuyến khích từ các chính sách do các Chính phủ đưa ra với ĐKKT tuy có những điểm khác nhau nhất định, song tinh thần chung là giảm thiểu mọi hàng rào ngăn cản các dòng di chuyển của các nguồn lực và hấp dẫn các nhà đầu tư. Có như thế mới tìm ra được các nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể như giảm thiểu thuế quan, tự do trung chuyển hàng hóa; đơn giản hóa các thủ tục, đồng thời áp dụng các chính sách khuyến khích về tài chính như giảm hoặc miễn các loại thuế như thuế VAT, thuế thu nhập, thuế tài sản... hay tự do hóa các dòng chảy vốn đầu tư, lợi nhuận… tạo thuận lợi trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng bằng cách cho thuê giá thấp, cung cấp dịch vụ giá rẻ...

"Một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự thành công của ĐKKT là vấn đề huy động nguồn lực và cơ chế chính sách tài chính tiền tệ chuẩn bị cho sự phát triển cho mô hình đặc khu. Thiết nghĩ, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ ĐKKT Thâm Quyến, đồng thời sớm xác lập hành lang pháp lý làm rõ về quyền lợi, quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản… của DN, của nhà đầu tư nếu tham gia đầu tư vào ĐKKT ở Việt Nam".

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú

ĐKKT là khu vực được khoanh vùng về địa lý, một hệ thống thể chế mạnh và những chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, có quy định pháp lý ở mức cao nhất. Ông Andrew Grant, lãnh đạo toàn cầu khu vực công - Tập đoàn Mc Kinsey Singapore chỉ ra mối liên quan giữa một môi trường pháp lý thoáng và sự phát triển kinh tế, ví dụ như ĐKKT Thâm Quyến với thể chế mạnh đã tạo ra công ăn việc làm với tốc độ nhanh hơn cả Trung Quốc và Hồng Kông. Và, ĐKKT không thể thành công nếu không có nhân tài, như so sánh của ông Andrew Grant thì “nhân tài giống như ôxy của ĐKKT vậy”.

Hình thức ĐKKT luôn hàm nghĩa “vượt” luật hiện hành, Dự án Luật về ĐKKT, đặc khu hành chính kinh tế hiện đã có trong chương trình xây dựng luật pháp của Quốc hội, có thể và nên tham khảo vận dụng Luật ĐKKT của những nước đi trước. Ba ĐKKT rất ấn tượng trên thế giới trong vài thập kỷ gần đây là: Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất) và Incheon (Hàn Quốc) đều thành công khi dựa vào các thể chế mạnh, nổi trội.

Và, như ví von của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “ĐKKT là cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng. Nếu ta làm tổ cho gà thì sẽ không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được”.

“Đi trước, thử trước” cũng là cách làm của Trung Quốc cách đây hơn 30 năm với mở màn là ĐKKT Thâm Quyến. Năm 1979, lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc đề xuất khái niệm ĐKKT và triển khai chính sách kinh tế mới, đó là việc miễn giảm thuế quan, chế định chính sách ưu đãi làm chiến lược, thông qua việc tạo môi trường đầu tư tốt, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút phương pháp quản lý khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nhờ đó, ĐKKT Thâm Quyến đã thành công.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập đặc khu kinh tế ở Việt Nam: Bao giờ "gà đẻ trứng vàng"?