Nghèo nhưng “xài sang”

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội, một số diễn giả đã lấy hai ví dụ là dự án đường cao tốc TP.HCM đi Long Thành - Dầu Giây và cảng container Cái Mép - Thị Vải để minh chứng cho tình trạng lãng phí trong đầu tư công hiện nay.

Phối cảnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tương lai. (Ảnh: Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam)

Nếu như dự án đường cao tốc có tổng chiều dài xây dựng chỉ 51km đã ngốn hết 932,4 triệu USD (thời điểm cuối năm 2007) thì cảng container có tổng mức đầu tư 765 triệu USD.


Việc đầu tư nhiều tiền cho các dự án lớn là chuyện bình thường, vấn đề ở chỗ hiệu quả của dự án ra sao. Một số chuyên gia tỏ ra ngạc nhiên: gần 1 tỷ USD chỉ để làm hơn 50km đường là quá lớn và suất đầu tư cho 1km đường quá cao so với mức trung bình thế giới. Nếu con đường có mức chi phí như trung bình thế giới, tổng mức đầu tư sẽ chỉ còn vào khoảng 460 triệu USD. Với tổng mức đầu tư cao, lợi suất hạ thấp xuống nên dự án chỉ có thể tiếp cận vốn vay ODA mà không huy động được vốn trong nước.


Về dự án cảng container, đã có 4 cảng container đi vào hoạt động, tuy nhiên, lượng hàng container đến cảng Thị Vải - Cái Mép chỉ bằng 28% công suất năm 2010 và 12,9% trong 8 tháng năm 2011, một sự lãng phí lớn.


Liên quan đến câu chuyện nợ công tại Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, chi ngân sách lên đến 33-33,5% GDP. Con số này cho thấy mức chi ngân sách ở Việt Nam là quá lớn trong những năm qua.


Một dẫn chứng khác về sử dụng vốn lớn nhưng kém hiệu quả là trong khi vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2001-2010 tăng mạnh từ 35,4% lên 42,2% thì tăng trưởng GDP lại thấp xuống. Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ nợ công Việt Nam so với GDP đã là 57,3%.


Một số ý kiến cho rằng, lãng phí vốn đầu tư công là do các nguyên nhân như các dự án đầu tư công còn bị chi phối của các nhóm lợi ích có đặc quyền, đặc lợi. Chúng ta chưa chú trọng đến công tác quy hoạch kinh tế có tính chất liên vùng, nên nhiều dự án đầu tư xong phát huy hiệu quả đầu tư thấp, do thiếu đồng bộ. Cơ chế "xin cho" còn tồn tại, nên phát sinh tiêu cực trong xây dựng các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát cộng đồng và công khai các quy trình đầu tư của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội chưa được coi trọng.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghèo nhưng “xài sang”