Mục tiêu của tinh giản biên chế nâng cao chất lượng công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ

Kim Ngân| 21/02/2014 09:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế từ nay đến năm 2020 được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp lại tổ chức, chưa đạt trình độ hoặc có chuyên môn không phù hợp, hạn chế về năng lực, nghỉ ốm nhiều... sẽ nằm trong diện tinh giản biên chế.

Đã làm, nhưng kết quả hạn chế

Đây không phải là lần đầu tiên chính sách tinh giản biên chế mới được tổ chức thực hiện mà việc tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị đã thực hiện trong nhiều năm qua. Điển hình là các đợt thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 của Chính phủ về sửa đổi Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP. Đặc biệt là Nghị định số 132/NQ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ về thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy; hoặc do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu kém, sức khỏe yếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ (gọi tắt là Nghị định 132).

Nghị định 132 của Chính phủ đã quy định phạm vi, đối tượng, trình tự thực hiện tinh giản biên chế; trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế và thời hạn giải quyết. Quá trình thực hiện được tiến hành theo đúng trình tự đề ra; từ việc rà soát, chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức và sắp xếp, phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất giữ lại làm việc ổn định, lâu dài. Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 132 (2007-2012), cả nước đã tinh giản biên chế 67.398 cán bộ, công chức, viên chức với kinh phí chi trả 3,18 nghìn tỷ đồng; trong đó có 61.018 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%).

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng dư luận vẫn có ý kiến cho rằng, trong khi số người cần giảm vẫn chưa thực sự giảm được thì tổng biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cấp Trung ương giai đoạn 2007-2012 lại tăng. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, tổng số biên chế cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện ở nước ta đã tăng thêm hơn 42.000 người (từ 346.379 người năm 2007 (không bao gồm biên chế sự nghiệp và biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) lên 388.480 người năm 2012). Biên chế cán bộ, công chức cấp xã tăng thêm hơn 14.000 người.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, số lượng biên chế cán bộ, công chức từ cấp Trung ương đến cấp xã tăng trong thời gian qua xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn quản lý. Đó là cùng với sự phát triển, đã xuất hiện thêm các lĩnh vực mà Nhà nước cần và có trách nhiệm tăng cường quản lý như: Môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm, bảo vệ và phát triển rừng, năng lượng, tài nguyên nước... Số lượng biên chế tăng chính là số lượng bổ sung, giao cho các tổ chức mới thành lập hoặc để thực hiện các nhiệm vụ mới. Điều này phù hợp với tiến trình phát triển nên vẫn có số biên chế tăng thêm trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.

Mục tiêu của tinh giản biên chế nâng cao chất lượng công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ

Công chức ngành Thuế làm việc

Sẽ làm quyết liệt và đạt được mục tiêu

Theo Bộ Nội vụ, trong 5 năm (2007-2012), có tới hơn 90% cán bộ, công chức tinh giản biên chế thuộc diện đối tượng nghỉ hưu trước tuổi. Điều này cho thấy, chính sách tinh giản biên chế trước đây còn nhiều hạn chế, chưa thực sự giảm được những người cần giảm. Mục tiêu đưa ra chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn. Tình trạng người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được khắc phục. Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Cùng với đó là không thực hiện tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào diện tinh giản biên chế.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập về trình độ, về trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả hoạt động công vụ... của một bộ phận cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ xác định cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tinh giản biên chế. Đó chính là lý do để xây dựng dự thảo Nghị định tinh giản biên chế. Nội dung này cũng đã được xác định tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/10/2012 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.

Theo đó, khác với những lần tiến hành tinh giản biên chế trước đây chỉ đơn thuần là giảm cơ học và đưa ra chỉ tiêu tinh giản để phấn đấu. Lần này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ. Muốn vậy, bước đầu dự tính có khoảng 100.000 biên chế sẽ được tinh giản trong vòng 6 năm, từ nay đến 2020, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

"Con số 100.000 biên chế sẽ được tinh giản chỉ là tính toán ban đầu của dự thảo lần 1, không phải là mục tiêu về số lượng. Lần này, không nên quan trọng hóa sẽ giảm được bao nhiêu. Càng không nên đặt ra mục tiêu con số cụ thể một cách duy ý chí, rồi không thực hiện được. Điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện thật tốt để đưa ra khỏi công vụ những người không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, người không có khả năng đáp ứng yêu cầu công vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm...; đồng thời, có giải pháp thu hút, tuyển dụng được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cùng với việc kế thừa những quy định tại Nghị định 132 trước đây, dự thảo Nghị định lần này bổ sung một số quy định về trường hợp tinh giản biên chế. Thứ nhất, những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác. Thứ hai, những người có hai năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc có hai năm liên tiếp, trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Thứ ba, người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn Nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới. Ngoài ra, còn một số quy định khác có liên quan và quy định cụ thể thời gian áp dụng chính sách tinh giản biên chế là từ năm nay đến 31/12/2020. Thời hạn này phù hợp với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2012-2020, đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn:

"… Thực tế hiện nay, có một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức không đáp ứng được yêu cầu thực thi nhiệm vụ, yếu kém về phẩm chất, trình độ, năng lực. Dư luận cũng có nhận xét như vậy và còn cho rằng, có một tỷ lệ cán bộ, công chức không làm việc. Mặt khác, cơ cấu tinh giản không cân đối, không đồng đều giữa các ngành, các lĩnh vực cũng là hạn chế của công tác này…". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu của tinh giản biên chế nâng cao chất lượng công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ