Hạn chế “ngoài luồng”

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có một thực tế là nhiều DN đang thiếu vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chính nhưng lại rất “hào hứng” đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Theo một khảo sát tại các DN Trung ương cho thấy, có 21/31 DN, ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ đồng. Lĩnh vực được các DN ưa thích và rót vốn nhiều nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí với 5.636 tỷ đồng. Ngoài ra, có 13 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng vốn gần 1.300 tỷ đồng. Có 8 đơn vị đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp, xây lắp với tổng vốn hơn 3.754 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su hơn 1.500 tỷ đồng. Đáng chú ý là số vốn đầu tư ngoài ngành chiếm tỷ lệ khá cao so với vốn chủ sở hữu, như ở Tập đoàn Công nghiệp Cao su là hơn 18%.

Khai thác dầu khí. Ảnh minh hoạ


Dự thảo nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN đang được Bộ Tài chính hoàn tất. Ngoài quy định 50% lợi nhuận phải nộp về Nhà nước, dự thảo cũng đưa ra giới hạn đầu tư các ngành nghề “tay trái” không quá 10%. DNNN chỉ được đầu tư, góp vốn vào những lĩnh vực trái nghề và nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán mỗi lĩnh vực một DN. Mức vốn đầu tư vào từng lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn và tổng mức vốn đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của DN. Nếu trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ có các công ty con cùng đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên thì tổng mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ không vượt quá mức 15% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này DN phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định.


Theo quy định cũ (Nghị định 09/2009), công ty nhà nước được phép đầu tư “tay trái” tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Riêng các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mức vốn đầu tư công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ…


Bộ Tài chính cho rằng, việc siết chặt đầu tư này nhằm để các DNNN tập trung vốn đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh chính, hạn chế việc đầu từ “ngoài luồng” gây mất an toàn vốn.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế “ngoài luồng”