Chủ động… thất nghiệp!

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu có hiệu lực, số người tham gia tăng qua các năm. Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), đến hết tháng 6-2011, có hơn 146.000 người đăng ký thất nghiệp tại các trung tâm giới thiệu việc làm, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2010 đã có 7,05 triệu người, đưa tổng số thu khoảng 4.800 tỷ đồng.

Số người đến đăng ký thất nghiệp tại các Trung tâm giới thiệu việc làm tăng đột biến. Tại Hà Nội, tính đến 1-9, đã có hơn 10.400 người lao động đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng gấp đôi so với cả năm 2010. Ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu việc làm còn một nguyên nhân khác là do hiện tượng thất nghiệp “ảo”. Ước tính, con số ảo chiếm khoảng 10%.

Đăng ký hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm việc làm Hà Nội (Nguồn: internet)

Theo các chuyên gia, không loại trừ việc người sử dụng lao động “bắt tay” với người lao động để trục lợi từ chính sách. Theo quy định, cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều chỉ phải trích 1% tiền lương, tiền công để đóng bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền bỏ ra vài trăm ngàn đồng/năm nhưng khi thất nghiệp thì người lao động được lĩnh số tiến lớn gấp cả chục lần còn doanh nghiệp thì trốn được khoản tiền trợ cấp. Thậm chí, có trường hợp người lao động và doanh nghiệp “bắt tay” ra quyết định nghỉ việc nhưng trên thực tế người lao động vẫn làm việc, hưởng lương. Khi đó, doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, còn người lao động vẫn được hưởng lương và trợ cấp thất nghiệp.

Số lượng người đăng ký hưởng chế độ thất nghiệp không phản ánh đúng thực tế bức tranh về lao động việc làm, hơn thế nó còn có tác động tiêu cực, khiến cho một chính sách an sinh xã hội bị lạm dụng để trục lợi. Trong khi những lao động thực sự thất nghiệp lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ thì một số đối tượng “thất nghiệp chủ động” khác lại lạm dụng được chính sách. Điều đó cho thấy, chính sách về bảo hiểm xã hội và các quy định về bảo hiểm thất nghiệp sau một thời gian triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập, cần được điều chỉnh. Luật Bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được sửa đổi để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thật sự đi vào cuộc sống.

Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động… thất nghiệp!