Thực hiện chủ trương khoán xe công: Cần có cái nhìn toàn diện

Mai Thoa| 09/03/2017 06:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc khoán xe công nhằm tiết kiệm chi ngân sách là việc làm đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tiết kiệm chống lãng phí ngân sách cần tính đến hiệu quả công việc và đảm bảo an toàn cho lãnh đạo trong quá trình công tác.

Đề xuất mức khoán xe công

Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét dự thảo quyết định về đề xuất quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công. Theo đó, việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác được thực hiện theo một trong các hình thức gồm khoán kinh phí sử dụng, thuê dịch vụ xe ô tô hoặc trang bị xe. Đây là dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 32/QĐ-TTG/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Trong Tờ trình dự thảo quyết định, Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện hình thức khoán kinh phí bắt buộc từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên gồm: Thứ trưởng và tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập.

Theo đó, trường hợp cần thiết phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì các Bộ, ngành có thể bố trí xe để đưa đón các chức vụ này từ nơi ở đến nơi làm việc. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng 2 phương án: Một là, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; Phương án hai là, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV xem xét quyết định. Với công đoạn đi công tác, các chức danh nói trên được bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe hoặc thuê xe dịch vụ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị khoán tự nguyện kinh phí sử dụng phương tiện khi đi công tác trong nội tỉnh, thành phố hoặc bố trí xe phục vụ công tác chung (nếu có) với chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước.

Thực hiện chủ trương khoán xe công: Cần có cái nhìn toàn diện

Khoán kinh phí xe công là chủ trương được dư luận đồng tình, ủng hộ.  Ảnh minh họa  

 

Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét hai phương án xác định mức khoán kinh phí, gồm: Phương án 1, đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng và mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng/giảm trên 20%. Phương án 2, mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán là 16.000 đồng/km, được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng/giảm trên 20%. Hoặc, dựa trên đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương, việc xác định đơn giá khoán cụ thể do bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định.

Trước đó, tháng 1/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu ổn định ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; tiết kiệm chống lãng phí, trong đó có việc khoán sử dụng xe công.

Tiết kiệm nhưng phải hiệu quả và an toàn

Năm 2016, Bộ Tài chính đã thực hiện việc khoán kinh phí xe cho 6 Thứ trưởng. Bộ cũng đã phát đi thông báo yêu cầu các đơn vị thành viên do mình đại diện chủ sở hữu như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tập đoàn Bảo Việt… thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công. Khi triển khai, Bộ này đã áp dụng khoán xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại, sau đó sẽ tiếp tục đánh giá và áp dụng rộng rãi dựa trên hiệu quả mang lại.

Sau Bộ Tài chính, tới lượt thành phố Hà Nội cũng thí điểm khoán xe công từ 1/1/2017. Theo kế hoạch, Hà Nội khoán kinh phí xe công tại 8 đơn vị (4 sở và 4 quận/huyện) với mức khoán 9 triệu đồng/lãnh đạo/tháng. Dù khoán kinh phí sử dụng xe công cho các lãnh đạo cấp sở và quận, huyện nhưng mỗi đơn vị vẫn được giữ lại 2 xe phục vụ chung theo quy định. Như vậy, nếu đơn vị có 6 lãnh đạo được tiêu chuẩn xe công phục vụ công tác (hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên), sẽ có 2 người được bố trí riêng 2 xe để đi lại thường xuyên, 4 lãnh đạo còn lại sẽ nhận khoán kinh phí hàng tháng (thay vì 2 xe phục vụ cả 6 lãnh đạo như trước).

Bước tiên phong của Hà Nội rất đáng hoan nghênh và được người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, để sau thí điểm triển khai rộng rãi trong các bộ ngành, các ý kiến cho rằng cần phải tính toán, cân đối giữa hiệu quả trong việc tiết kiệm ngân sách nhà nước với hiệu quả công việc và sự đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo trong quá trình công tác.

PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cho rằng, trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn như hiện nay thì việc khoán xe công là cần thiết, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc khoán xe công cũng giúp nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trong việc sử dụng xe công không đúng tiêu chuẩn, định mức, đối tượng như vừa qua.

Việc thí điểm khoán xe công của Hà Nội là rất đáng hoan nghênh, nhưng cần tính toán, nghiên cứu sao cho tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo công tác. Khi đã thực hiện khoán xe công là phải triệt để, hiệu quả; phải thu hồi lại xe, không thể khoán mà vẫn giữ lại xe công. Bên cạnh đó cũng cần công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát, tránh tình trạng nhận khoán nhưng vẫn dùng xe công đi lại thì lợi bất cập hại, không những không chống được lãng phí mà còn lãng phí hơn.

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải thận trọng trước khi quyết định triển khai khoán đại trà trên phạm vi cả nước và phải tính đến hiệu quả cũng như những bất lợi, khó khăn cho các lãnh đạo cơ quan nhà nước đi làm việc ở các bộ, ngành khi phải tự túc xe. “Chúng ta không thể nghĩ đơn thuần đó chỉ là việc đi lại hay tiết kiệm hay sự “dựa dẫm” nào đó mà phải đánh giá trên góc độ hiệu quả công việc. Hiện mới chỉ nhìn được một mặt trong khi lĩnh vực khác lãng phí, tốn kém hơn xe công nhiều như lĩnh vực đầu tư BOT…”, đại biểu Nhưỡng nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nhưỡng, nếu đi làm các việc công thì phải đi xe công, còn việc khoán vẫn có thể áp dụng chế độ đưa đón từ nhà đến cơ quan và ngược lại, vì việc tự lái xe đi làm sẽ không đảm bảo sự an toàn và thuận tiện trong công tác. Chưa kể, các lãnh đạo như Chủ tịch tỉnh hay Thứ trưởng mà tự lái xe hay taxi, xe buýt đi làm cũng không an toàn, trong khi đây là những người giữ chức vụ, trọng trách quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Ngoài ra, nhiều khi quá trình đi trên đường các lãnh đạo vẫn phải xử lý, điều hành công việc qua điện thoại, email…mà tự lái xe sẽ rất bất tiện. Ông cũng cho hay, từ những năm trước, Quốc hội đã triển khai và khuyến khích những người sử dụng xe công theo hình thức khoán và ai có nhu cầu thì đăng ký. Tuy nhiên, cũng chính vì sự bất tiện này mà sau khi tự lái xe đi làm, được 10 tháng ông đã phải bỏ để quay lại sử dụng xe công.

Vì vậy theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, việc này cần phải nghiên cứu, tổng kết đánh giá một cách toàn diện, khách quan trước khi áp dụng rộng rãi; nếu cần thiết cũng có thể lấy phiếu thăm dò ý kiến. Vì có thể có những lãnh đạo không đồng tình nhưng rất “ngại” bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, đứng ở góc độ Nhà nước, việc khoán xe công sẽ hiệu quả về kinh tế nhưng cũng cần có cái nhìn toàn diện về mọi mặt. Và khi áp dụng chung cần phải xem xét thêm những thuận lợi, khó khăn và những lợi ích mà chính sách này mang lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chủ trương khoán xe công: Cần có cái nhìn toàn diện