Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Trọng Bằng| 16/01/2017 07:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước; khẳng định Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài.

Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân. Ảnh: AFP

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-17/1.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân tới Việt Nam, thành viên đoàn chính thức gồm có: bà Akie Abe, Phu nhân Thủ tướng; ông Koichi Hagyuda, Phó Chánh Văn phòng Nội các; ông Hiroto Izumi, Trợ lý Thủ tướng; ông Eiichi Hasegawa, Trợ lý Thủ tướng; ông Isao Iijima, Cố vấn Đặc biệt Nội các; ông Tomohiko Taniguchi, Cố vấn Đặc biệt Nội các; ông Nobukatsu Kanehara, Trợ lý Phó Chánh Văn phòng Nội các; ông Takeo Akiba, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản; ông Hiroshi Tabata, Thứ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở và hạ tầng; ông Hiromichi Matsushima, Thứ trưởng Bộ Nông-Lâm-Thủy sản; ông Hirofumi Katase, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Công nghiệp; ông Ro Manabe, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Kunio Umeda, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; ông Ryotaro Sugi, Đại sứ đặc biệt Nhật-Việt.

Trọng tâm chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-17/1 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là tăng cường hợp tác trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại với Việt Nam, đặc biệt là trong việc hiện thực hóa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nguồn tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho hay trong chuyến thăm này, Thủ tướng Abe sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam không từ bỏ nỗ lực để TPP được thực thi, cũng như khẳng định sự ủng hộ và hợp tác của Nhật Bản trong thúc đẩy tự do hóa thương mại và trong việc thúc đẩy việc hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, thông qua Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản. Tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe lần này còn có đại diện 25 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, trong đó có nhiều doanh nghiệp chuyên về phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại tổng hợp. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Abe sẽ diễn ra cuộc tọa đàm giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Dự kiến qua cuộc tọa đàm này, sẽ có một số thỏa thuận hợp tác được ký kết.

Nhật Bản cũng dự kiến tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, nổi bật là việc phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc. Theo Phó Đại sứ Nhật Bản Yanagi Jun, Nhật Bản cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển giao các công nghệ mới.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng tăng, kể từ khi hai nước dành cho nhau quy chế thuế suất tối huệ quốc (năm 1999). Năm 2011, hai năm sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực, Nhật Bản trở thành thành viên đầu tiên của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất (G7) công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ kinh tế bình đẳng giữa hai nước. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 28,49 tỷ USD, chiếm 8,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hai nước cũng phấn đấu đến năm 2020 đạt kim ngạch khoảng 60 tỷ USD.

Bên cạnh đó, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Abe cũng nhằm tăng cường sự hợp tác trong hợp tác quốc phòng và thúc đẩy đối thoại an ninh, tăng cường hợp tác nhằm nâng cao việc thực thi pháp luật trên biển và nâng cao năng lực cho Việt Nam.

Nhật Bản khẳng định cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm các tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tuân thủ DOC và sớm xây dựng COC, phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và giao lưu nhân dân, cũng như phát triển nguồn nhân lực (Đại học Việt Nam Nhật Bản, vấn đề thực tập sinh trong lĩnh vực công nghệ…)

Chuyến thăm Việt Nam là chặng cuối trong chuyến công du nước ngoài kéo dài 6 ngày của Thủ tướng Abe. Trước Việt Nam, ông Abe sẽ thăm lần lượt Philippines, Australia và Indonesia, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Thủ tướng Nhật Abe, sau các chuyến đi hồi năm 2006 và năm 2013.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sinh ngày 21/9/1954. Năm 1977, ông tốt nghiệp Khoa Luật, Bộ môn khoa học chính trị, Trường Đại học Seikei; tốt nghiệp Khoa chính trị Đại học Tổng hợp Nam California.

Tháng 11/1982, ông Shinzo Abe là Thư ký Bộ trưởng Ngoại giao; tháng 7/1993 trúng cử Hạ Nghị sỹ lần đầu tiên (đến nay 7 kỳ liên tiếp tái cử); tháng 10/1999 là Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế và Phúc lợi Hạ Viện, Trưởng Ban Xã hội, Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Tháng 7/2000, ông Shinzo Abe là Phó Chánh Văn phòng Nội các (trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Mori Yoshirō ); năm 2001, là Phó Chánh Văn phòng Nội các (trong nhiệm kỳ thứ nhất của Thủ tướng Koizumi Junichirō) ; tháng 9/2003, là Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do; tháng 9/2004, là Quyền Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do, Trưởng Ban xúc tiến cải cách Đảng.

Tháng 10/2005, ông Shinzo Abe là Chánh Văn phòng Nội các (trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Koizumi Junichirō) sau cải tổ Nội các.

Tháng 9/2006, ông được bầu là Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, trở thành Thủ tướng đời thứ 90 của Nhật Bản (từ chức tháng 9/2007). Tháng 9/2012, ông được bầu lại làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do. Tháng 12/2012 đến nay, ông Shinzo Abe là Thủ tướng Nhật Bản.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam