Thủ tướng: Nhân rộng mô hình tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp trên cả nước

Ngọc Mai| 13/06/2016 09:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Đồng Tháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, thực hiện tái cơ cấu một cách bài bản, tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp ngày 12/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xem xét nhân rộng mô hình này.

Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước và cũng là vùng đầy triển vọng với những thương hiệu cây ăn trái như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quít Lai Vung, bưởi Phong Hòa và cây công nghiệp ngắn ngày. Cùng với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp chịu sự tác động mạnh do tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Mặc dù vậy, quyết tâm thực hiện kế hoạch đã đề ra, Đồng Tháp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt 6,02%. Tỉnh đã tập trung xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ hàng hoá với các hệ thống phân phối lớn như Co.op Mart, Big C, Satra, Maximart, Hapro... góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng trên 10% so với cùng kỳ.

Là địa phương đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, Đồng Tháp đã thu hút được 35 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác với tỉnh. 6 tháng qua, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án, có 187 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 4.207 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 32.600 tỷ đồng.

Thủ tướng: Nhân rộng mô hình tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp trên cả nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan HTX Xoài Mỹ Xương. Ảnh: Quang Hiếu

Đặc biệt, triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp 3 năm qua đã mang lại nhiều kết quả khả quan cho Đồng Tháp. Tỉnh đã tập trung vào mục tiêu cốt lõi là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh hợp tác – liên kết – thị trường; đặc biệt là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ giảm giá thành, sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái; chuyển dịch lao động và tăng thu nhập, nâng cao đời sống dân cư nông thôn.

Tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp được tập trung trên 5 mặt hàng chủ lực: Lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt.

Những chỉ tiêu đạt được từ định hướng đúng đắn này chính là những điểm sáng của kinh tế nông nghiệp ở Đồng Tháp và được đại diện các bộ, ngành đánh giá rất cao; cho rằng cần nhân rộng trên địa bàn cả nước. Tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp người dân ở Đồng Tháp tăng thêm lợi nhuận trên 1ha đất trồng trọt khoảng 10 triệu đồng/năm và trên 1ha nuôi trồng thủy sản tăng khoảng 3,2%/năm. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm từ 70% vào năm 2011 xuống còn 52,5% vào cuối năm 2015.

Theo báo cáo của cấp ngành đưa ra tại buổi làm việc: 100% diện tích sản xuất lúa ở Đồng Tháp đã cơ giới hóa khâu làm đất; hơn 97% thu hoạch bằng máy, 83% diện tích tưới tiêu bằng bơm điện. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các chương trình liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo không ngừng tăng lên, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng so với sản xuất truyền thống. Sản lượng lúa hàng năm của tỉnh ở mức 35 triệu tấn, xếp thứ 3 cả nước. Đồng Tháp đã xây dựng và quảng bá được thương hiệu xoài Cao Lãnh rộng khắp cả nước và khu vực châu Á, diện tích trồng xoài tăng gần 800ha. Diện tích hoa kiểng tăng 138% với thương hiệu hoa kiểng Sa Đéc nổi tiếng. Mặt hàng cá tra được coi là bước phát triển nhảy vọt ở Đồng Tháp, nhờ triển khai tốt khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ với tổng sản lượng năm 2015 đạt 400.227 tấn, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, tỉnh còn phát triển được nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra như dầu cá Ranee, colagen, genlatin.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Đồng Tháp trong chỉ đạo, điều hành; có sự tiến bộ toàn diện về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, thực hiện tái cơ cấu một cách bài bản, đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực như ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị…  Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tổng kết mô hình của Đồng Tháp để nhân rộng trên cả nước.

Về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Đồng Tháp, Thủ tướng cho rằng tỉnh đã có những đổi mới thiết thực.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Đồng Tháp tiếp tục phát huy kết quả đạt được, không được chủ quan, lơ là; tích cực thực hiện các Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế -xã hội 2016, Nghị quyết 19, 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã đề ra năm 2016.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh tận dụng thời cơ khi nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia nhiều FTA; và cả trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, mạnh của đồng bằng sông Cửu Long.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh Đồng Tháp đạt 6,02%. Có 187 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp lên 4.207 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 32.600 tỷ đồng. Thu hút được 1,35 triệu lượt khách du lịch, tăng 5,7%. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nhiều năm liền đứng trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu và 2 năm liên tục (2014 – 2015) đứng thứ 2 cả nước.

* Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn công tác đi khảo sát 2 mô hình điển hình trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, chuyên sản xuất sản phẩm xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc và Công ty Vĩnh Hoàn, một trong những công ty chế biến và xuất khẩu cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam.

Đánh giá cao cách làm của HTX xoài Mỹ Xương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong kinh tế thị trường mà chỉ sản xuất theo kinh tế hộ nhỏ, lẻ thì khó áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, không thể cạnh tranh được. Cho rằng thành công của HTX chính là đã huy động được nhiều hộ tham gia, Thủ tướng nhấn mạnh đây là một trong những mô hình mới, thành công theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp, cần được nhân rộng tại các địa phương.

Đến thăm Công ty Vĩnh Hoàn và thăm quan dây chuyền sản xuất collagen, gelatin từ da, xương cá tra, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn của Công ty, trong đó Công ty đã mạnh dạn mở rộng đầu tư theo hướng chế biến sâu, tận dụng tất cả các sản phẩm từ cá tra; mong muốn công ty cần có ước mơ cao hơn nữa, xa hơn nữa, tiếp tục đổi mới, sáng tạo. “Nếu không đi vào hướng xuất khẩu với giá trị gia tăng cao thì sẽ khó thành công”, Thủ tướng chia sẻ, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành chức năng và tỉnh Đồng Tháp quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển hơn nữa.

* Cùng ngày, trong chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng đã đến dâng hương, viếng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lăng Cụ Phó bảng ở TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách, có công với nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Nhân rộng mô hình tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp trên cả nước