Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại

Đức Minh| 26/01/2016 21:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 153/CĐ-TTg chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại

Thủ tướng Chính phủ điện chỉ đạo Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh tập trung ứng phó với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài

Thủ tướng Chính phủ điện: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh được tăng cường liên tục, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra đợt rét hại trên diện rộng, ngày 24/1/2016 đã xuất hiện băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao, nhiệt độ xuống mức thấp nhất 40 năm qua, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hoa màu và chăn nuôi gia súc.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, rét đậm, rét hại còn tiếp tục kéo dài trong một vài ngày tới, tại các tỉnh miền núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và mưa tuyết ở vùng núi.

Để hạn chế thiệt hại do rét đậm, rét hại đối với người dân sản xuất nông nghiệp, chủ động bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10200/CT-BNN ngày 16/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phòng, chống đói, rét cho gia súc trong vụ Đông Xuân 2015-2016 và chỉ đạo công tác phòng chống rét cho thủy sản nuôi.

Chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét, nhất là việc bảo đảm nguồn thức ăn, nước uống, che chắn chuồng trại để chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc; triển khai các biện pháp tránh rét cho thủy sản nuôi. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn kế hoạch sản xuất phù hợp đối với cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dự báo, thông tin kịp thời cho các địa phương, cơ quan liên quan và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Cơ chế hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký Quyết định 01/2016/QĐ-TTg về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo đó, có 4 căn cứ hỗ trợ gồm:

1- Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2- Báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về thiệt hại do thiên tai gây ra thuộc trách nhiệm khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương; nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ của các địa phương; huy động nguồn lực ở địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai (Dự phòng ngân sách địa phương; Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật); đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai.

3- Dự phòng ngân sách địa phương bố trí dự toán, dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng, dự phòng ngân sách địa phương còn lại đến thời điểm bị thiên tai.  

4- Dự phòng ngân sách trung ương còn lại đến thời điểm xét hỗ trợ các địa phương bị thiên tai.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương có thiệt hại lớn vượt quá khả năng

Về hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng, chỉ xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đối với những địa phương có mức thiệt hại lớn vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Căn cứ tình hình thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục của địa phương; Quỹ phòng, chống thiên tai và nguồn tài chính hợp pháp khác; dự phòng ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách trung ương còn lại; việc hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương được phân theo các nhóm: Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%; các địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo kinh phí; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, thực hiện theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai; và các văn bản khác có liên quan. Trường hợp các văn bản trên được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Về hỗ trợ thiệt hại do nắng nóng, hạn hán, thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trường hợp nắng nóng, hạn hán, xảy ra gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, ngân sách địa phương sau khi bố trí lại ngân sách, dự phòng, quỹ dự trữ tài chính vẫn không đủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của các địa phương, đề xuất phương án hỗ trợ gửi Bộ Tài chính.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và ngân sách trung ương Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại