Xác định trách nhiệm trong chống xâm hại trẻ em

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 15-2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dự phiên giải trình của Chính phủ tại Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (PCBLXHTE) giai đoạn 2008 - 2010. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ giải trình tại phiên họp

Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội; các Bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia. Đây là lần đầu tiên một phiên giải trình của Chính phủ được tổ chức và thực hiện tại phiên họp của một Ủy ban của Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UBVH) của Quốc hội Đào Trọng Thi, Ủy ban đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về PCBLXHTE giai đoạn 2008 - 2010 theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Để chuẩn bị cho phiên họp này, Thường trực Ủy ban và Đoàn giám sát đã khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố; xem xét báo cáo của HĐND 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự và phát biểu tại phiên giải trình của Chính phủ. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp to lớn, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân mà trực tiếp là các gia đình. Đây cũng là sự nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm cho sự phát triển của dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, việc phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nói riêng được chú trọng hơn, đạt được một số kết quả nổi bật. Tuy vậy, tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Chỉ tính trong vòng 3 năm gần đây, trung bình cả nước có khoảng 1.000 vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện hàng năm. Công tác giáo dục trẻ em cũng còn nhiều tồn tại, cần khắc phục, nhất là trong nhà trường, các cơ sở giáo dục.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên tinh thần đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ý kiến chất vấn và giải trình cần phân tích đúng tình hình. Đặc biệt, cần phân tích, xác định rõ những tồn tại, mặt hạn chế để từ đó đánh giá đúng nguyên nhân.

Phiên họp cũng cần lưu ý đi sâu phân tích các nguyên nhân chủ quan, trực tiếp trong việc tổ chức thực hiện, ý thức và tinh thần trách nhiệm của cơ quan tổ chức, gia đình và nhà trường, đoàn thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đề xuất các phương hướng giải quyết các tồn tại; xác định cụ thể trách nhiệm của từng nhóm đối tượng trong việc làm tốt hơn công việc có ý nghĩa đặc biệt cao cả này. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu sau phiên họp, các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát, tuyên truyền để không ngừng nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.

Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCBLXHTE, trong 3 năm từ 2008 - 2010, lực lượng Công an đã khởi tố 3.422 vụ với 3.974 đối tượng xâm hại trẻ em; xử lý hành chính 931 vụ với 1.396 đối tượng…

Quang Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định trách nhiệm trong chống xâm hại trẻ em