Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh làm việc với Ban cán sự Đảng TANDTC

Trần Minh Giang| 30/09/2014 20:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 30/9, tại Hà Nội, Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban cán sự Đảng TANDTC để kiểm tra các hoạt động của TAND các cấp trong 10 tháng đầu năm 2014.

Thành phần Đoàn công tác còn có đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đại diện Ủy ban kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, VKSNDTC… Về phía TANDTC có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC; các đồng chí thành viên Ban cán sự Đảng; các đồng chí Phó Chánh án TANDTC; đại diện TAQS Trung ương; lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC…

Tòa án các cấp thực hiện tốt 3 giải pháp đột phá

Thay mặt lãnh đạo TANDTC, đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực trình bày Báo cáo về công tác của TAND trong 10 tháng đầu năm 2014. Theo đó, TAND các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác trong bối cảnh tình hình các loại tội phạm chưa có chiều hướng giảm, các tranh chấp dân sự tiếp tục gia tăng, thẩm quyền của Tòa án được mở rộng trong một số lĩnh vực, như việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính liên quan tới hạn chế quyền tự do của công dân cũng như trong giải quyết các tranh chấp về đất đai. Cùng với yêu cầu làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, Tòa án còn phải tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, mà trọng tâm là việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và các Luật tố tụng tư pháp; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị.

Mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, nhưng Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC đã chủ động ban hành các nghị quyết, chỉ thị về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2014. Để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đặc biệt là nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án thực hiện tốt ba giải pháp đột phá, cụ thể là: Tiếp tục thực hiện tốt tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh làm việc với Ban cán sự Đảng TANDTC

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại buổi làm việc

Trong 10 tháng đầu năm 2014, Tòa án các cấp thực hiện tốt ba giải pháp đột phá, đã giải quyết 286.614 vụ án các loại trong tổng số 375.412 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 76,3%); số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Mặc dù số lượng các vụ án mà Tòa án phải giải quyết tăng hơn cùng kỳ năm trước 18.762 vụ, nhưng chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được đảm bảo và có tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,64%, giảm hơn nhiều so với các năm trước, đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội đề ra. Việc xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, trọng điểm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Việc áp dụng hình phạt tù cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ về cơ bản đảm bảo có căn cứ pháp luật. Các tội phạm về tham nhũng đều được xét xử nghiêm minh, đặc biệt đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước. Trong giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, các Toà án đã tích cực làm tốt công tác hòa giải và đã hòa giải thành 108.747 vụ án dân sự (đạt 53%), tăng 7.400 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, các Tòa án đã chú trọng việc tổ chức đối thoại; phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết để bảo đảm giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, TANDTC và các TAND cấp tỉnh đã giải quyết 5.012/10.659 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; trong đó, trả lời đơn cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 4.258 vụ, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 754 vụ. 100% kháng nghị của Chánh án TANDTC đều được HĐXX giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận. Ngoài ra, TANDTC đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên đề về án quá hạn luật định, áp dụng pháp luật về cho hưởng án treo, rà soát các bản án tuyên không rõ ràng tại các Tòa án địa phương. Các TAND cấp tỉnh cũng thường xuyên duy trì công tác giám đốc việc xét xử đối với các TAND cấp huyện thuộc quyền quản lý, qua đó chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán trong công tác xét xử.

Song song với công tác xét xử, thời gian qua, các Tòa án tiếp tục được củng cố, kiện toàn về đội ngũ cán bộ lãnh đạo và biên chế cán bộ. Việc thực hiện kế hoạch cải cách chế độ công vụ, công chức được đẩy mạnh; công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được rà soát, bổ sung theo đúng các quy định và hướng dẫn. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là Thẩm phán tiếp tục được nâng lên cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Tòa án các cấp tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh; việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Quốc hội cũng được TAND các cấp triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh làm việc với Ban cán sự Đảng TANDTC

Đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC trình bày báo cáo công tác 10 tháng đầu năm 2014 của TAND

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cũng nêu rõ một số hạn chế, thiếu sót của Tòa án địa phương như: Chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán tuy có giảm nhưng chưa giảm mạnh. Đồng thời, TANDTC cũng đề xuất năm vấn đề lớn kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan hữu quan nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013 và các chỉ thị, nghị quyết của Quốc hội... 

Về phương hướng công tác trong thời gian tới, hệ thống TAND tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Hiến pháp năm 2013 và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND các cấp”, gắn với phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW4. Thường xuyên rà soát đề nghị vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến…

Trong phần thảo luận, các đại biểu đều nhất trí với Báo cáo công tác 10 tháng đầu năm 2014 của hệ thống TAND và đóng góp ý kiến nhằm xây dựng TAND các cấp thực sự là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và triển khai có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thay mặt Ban cán sự Đảng và lănh đạo TANDTC, đồng chí Trương Hòa Bình tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và trả lời, làm rõ những vấn đề còn có cách hiểu chưa rõ hoặc chưa thống nhất như chế độ chính sách đối với Thẩm phán TAND các cấp, về các cơ chế thực hiện quyền tư pháp, trang thiết bị phương tiện làm việc, trụ sở cho TAND các cấp…

Chất lượng công tác xét xử có nhiều tiến bộ

Kết luận buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Hồng Anh nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận những thành tích, kết quả công tác của các Toà án trong thời gian qua và mong muốn TAND các cấp phát huy những thành tích để phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2014 và những năm tiếp theo; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Đồng chí Lê Hồng Anh bày tỏ: Công tác Tòa án thời gian qua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng các vụ việc đã giải quyết tăng hơn so với cùng kỳ năm trước; mặc dù số lượng các vụ án phải giải quyết nhiều, nhưng chất lượng công tác xét xử có nhiều tiến bộ; các vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh, thông qua công tác xét xử, Tòa án đã phát hiện và khởi tố một số vụ án, tạo được sự đồng tình của dư luận xã hội. Công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt; tiếp tục kiện toàn một bước về đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, TAND các cấp đã chú trọng thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị có liên quan tới công tác của các Tòa án.

Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch ngoài nước vẫn đang cấu kết với những phần tử xấu trong nước, lợi dụng chiêu bài dân chủ, tôn giáo và nhân quyền thực hiện âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta về mọi mặt. Nền kinh tế nước ta tuy có những dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa thực sự bền vững. Tình hình tội phạm vẫn diễn biến rất phức tạp; các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và khiếu kiện hành chính còn có xu hướng gia tăng. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, đòi hỏi Tòa án các cấp phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa, cần quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; chủ động tìm ra các giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động của Tòa án mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu TANDTC tiếp tục phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy Tòa án 4 cấp; xác định mô hình cơ chế Đảng lãnh đạo đối với Tòa án các cấp, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Tòa án, nhưng không ảnh hưởng tới nguyên tắc độc lập xét xử. TANDTC tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể trụ sở TAND các cấp; tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho các Tòa án. Tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ Thẩm phán Toà án, tạo điều kiện vững chắc cho việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực trong thời gian tới. Đồng thời, TANDTC tiếp tục chỉ đạo hệ thống TAND thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng các tổ chức Đảng tại các Tòa án thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh làm việc với Ban cán sự Đảng TANDTC