Trách nhiệm không thể chung chung

27/06/2012 22:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm hoặc dính đến lợi ích nhóm đã dẫn đến ti tỉ vụ việc sốt, nóng trên đất nước ta khi được hỏi đến hoặc chất vấn đều có chung một format trả lời rằng không có báo cáo nên không biết.

Một tập đoàn, hai tập đoàn làm ăn bết bát nhưng Bộ trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội y chang Chủ tịch huyện rằng không được báo cáo và cũng na ná như Trưởng Công an phường kêu không biết việc các tiệm net kề bên trụ sở chơi games suốt đêm.

Trách nhiệm không thể chung chung

Dù không được quy hoạch nhưng nhiều năm qua, các cá nhân, DN và có cả người nước ngoài đã tự phát lấn chiếm mặt nước làm lồng bè nuôi cá, nuôi tôm hùm lồng Vũng Rô (Phú Yên)

Trở lại vụ người nước ngoài làm việc không phép, không đăng ký xuất hiện từ các tỉnh biên giới phía Bắc tới tận mũi Cà Mau, thậm chí cả ở những nơi xung yếu, nhạy cảm như các vùng ven biển, vịnh Cam Ranh, biển Vân Đồn... nhưng không bị kiểm tra, xử lý. Ở Cam Ranh là tình trạng ngư dân Trung Quốc vào hành nghề nuôi cá, buôn cá và lấy vợ sinh con mà chính quyền sở tại đâu có hay. Bộ đội Biên phòng có báo cáo hẳn hoi nhưng chính quyền cũng… ngó lơ. Thế mới lạ!

Từ năm 2009, tại Quốc hội đã có lời hứa sẽ phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao chấn chỉnh tình hình, kể cả việc sửa luật. Hết nhiêm kỳ, sang khóa mới, tình hình vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn diễn biến thêm phần phức tạp. Số liệu mới nhất cập nhật cho hay có đến trên 30.000 người lao động nước ngoài không phép hiện vẫn đang làm ăn ở nước ta. Con số ấy tương đương với 3 sư đoàn, là cả một đạo quân. Nghe mới thấy giật mình.…

 

Trách nhiệm thuộc về ai? Quả bóng trách nhiệm đá lung tung, chẳng ai nhận, hoặc có nhận thì cũng nhì nhằng cho qua chuyện. “Bổn cũ soạn lại” của các cơ quan chức năng là “do không được báo cáo”. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi đó là căn bệnh quan liêu. Bệnh này không chỉ cần xóa bỏ mà phải diệt trừ. Ranh giới giữa quan liêu với vô trách nhiệm chỉ mong manh như sợi tóc. 

 

Nói rộng ra, bệnh quan liêu làm cho cán bộ, nhất là cán bộ có thẩm quyền giải quyết vấn đề sai lệch, không sát với thực tế. Thường là do nghe cấp dưới báo cáo nhưng không kiểm tra. Quá tin vào tham mưu của cấp dưới, thiếu sâu sát với công việc, càng dẫn đến những kết luận vấn đề gây bức xúc cho cơ sở, làm mất lòng tin của nhân dân. Cán bộ cấp trên quan liêu thì cán bộ cấp dưới lộng quyền, thậm chí lộng hành, tiền trảm hậu tấu. 

 

Quán triêt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương IV thiết nghĩ phải từ những việc làm thiết thực. Như chuyện đề cập trên đây cần phải quy rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý nghiêm minh. Chỉ có vậy thì Nghị quyết quan trọng của Đảng mới thực sự đi vào cuộc sống. 

 

Bảo Dân 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm không thể chung chung