Thông qua Dự án Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá trong tố tụng

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 28-3, UBTVQH đã cho ý kiến và thông qua Dự án Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đã tham dự phiên họp.

Báo cáo Tờ trình của TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, giám định và định giá tài sản là công việc Tòa án thường phải tiến hành trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và là một công việc phức tạp nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định tính khách quan của sự việc và giá trị tài sản trong vụ án. Giám định, định giá là một thủ tục rất quan trọng vì đó là một trong những chứng cứ giúp cho Tòa án giải quyết vụ việc được đúng đắn.

BLTTDS có các quy định về trưng cầu giám định, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch…nhưng đây chỉ là những quy định mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể nên việc thi hành trong thực tiễn rất khó khăn. Đối với Luật Tố tụng hành chính, căn cứ vào thẩm quyền của Tòa án được quy định tại Điều 28 Luật Tố tụng hành chính, Tòa án sau khi thụ lý và giải quyết các vụ án hành chính có rất nhiều loại việc có liên quan đến tài sản (động sản và bất động sản). Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khi giải quyết các vụ án hành chính có liên quan đến tài sản, cần thiết phải có những quy định về giám định, định giá và chi phí đối với công việc này. Tương tự, về hình sự cũng vậy, vấn đề cụ thể về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người phiên dịch trong tố tụng hình sự hiện nay vẫn chưa quy định cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp UBTVQH thứ 6.

Vậy nên TANDTC đã trình UBTVQH nội dung dự thảo Pháp lệnh gồm các nội dung: Chi phí giám định trong tố tụng; chi phí định giá tài sản trong tố tụng; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng; kinh phí thanh toán chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, phiên dịch…

Trình UBTVQH lần này TANDTC xin ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong Pháp lệnh, đó là: Mức chi phí giám định, định giá và chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch.

Thẩm tra dự thảo này, Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh quy định về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. UBTPQH cho rằng, hiện nay có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về chi phí giám định, định giá nhưng vẫn còn mang nguyên tắc chung, chưa đầy đủ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, căn cứ xác định mức chi phí, trách nhiệm trả tiền chi phí giám định, định giá…; các căn cứ để tính mức chi phí định giá, những vấn đề khác và quy định như dự thảo là phù hợp.

Về những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, như mức chi phí giám định, định giá, cơ quan chủ trì soạn thảo là TANDTC và đa số các thành viên Ban soạn thảo cho rằng không nên quy định cụ thể các mức chi phí giám định, định giá bằng các khoản tiền cụ thể trong dự thảo mà chỉ quy định các nguyên tắc, tiêu chí xác định chi phí cụ thể về giám định, định giá. Trên cơ ở đó giao Chính phủ quy định chi tiết áp dụng.

UBTP đề nghị trong Pháp lệnh này chỉ quy định các nguyên tắc xác định yếu tố cấu thành chi phí giám định, định giá áp dụng chung cho hoạt động giám định, định giá. Trên cơ sở đó giao Chính phủ, TANDTC quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Còn mức tiền cụ thể cho từng vụ việc sẽ do tổ chức, cá nhân thực hiện việc giám định, định giá tính toán căn cứ vào quy định của Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ.

Về mức chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, tương tự như quy định về chi phí giám định, định giá đã được nêu ở phần trên, việc quy định danh mục chi tiết về chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng cũng rất khó thực hiện và không khả thi. Trong thực tế có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập người làm chứng, người phiên dịch; có nhiều trường hợp đương sự có yêu cầu Tòa án mời người làm chứng, người phiên dịch. Nên vấn đề chi phí cho họ cần phải được quy định tương ứng với từng trường hợp. Vì vậy, dự thảo Pháp lệnh chỉ quy định các nguyên tắc, tiêu chí xác định chi phí cụ thể cho người làm chứng, người phiên dịch là phù hợp. Trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành.

Thảo luận về dự thảo Pháp lệnh này, nhiều ý kiến đồng tình với Tờ trình của TANDTC và Báo cáo thẩm tra của UBTP Quốc hội và cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm rất có trách nhiệm, kỹ càng, tiếp thu ý kiến những lần họp trước nên dự thảo Pháp lệnh cơ bản hoàn chỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, chi phí cho giám định, định giá.. gần như là khoản chi thực tế, không giống với phí, lệ phí do nên Pháp lệnh cần quy định cụ thể, phân biệt rõ phí, lệ phí và nên để Chính phủ quy định về vấn đề này. Đồng thời phải làm rõ các đối tượng thực hiện việc chi trả này là Tòa án hay đương sự, vì nếu Tòa án sẽ chi từ ngân sách, còn đương sự đề nghị giám định phải tự chi phí. Vì vậy, nên quy định cụ thể những trường hợp được miễn giảm trong trường hợp yêu cầu giám định và cấp nào được quy định việc miễn giảm này.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban An ninh - Quốc phòng Trần Đình Nhã đề nghị xem xét lại việc kinh phí chi trả cho người làm chứng gồm cả tiền đi lại, ăn nghỉ vì trước đây chúng ta chỉ quy định khoản tiền bồi dưỡng cho người hay không, nhất là chi phí này cho cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Nên chăng quy định bồi dưỡng theo thực tế sẽ phù hợp hơn.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’so Phước băn khoăn, đối với bà con dân tộc thiểu số, nếu quy định phải tự chi trả một số những chi phí giám định thì họ sẽ không dám khởi kiện những quyết định hành chính, tranh chấp dân sự vì không có tiền. Vì vậy nên cân nhắc cho nhóm đối tượng này, nếu chỉ quy định nhóm hộ nghèo thôi e sẽ không phù hợp. Phiên dịch cũng vậy, Thẩm phán nhiều khi cũng không biết tiếng dân tộc, tự thuê phiên dịch dân không có tiền sẽ không nhờ Tòa xử nữa mà “tự xử” sẽ rất nguy hiểm.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn chỉnh trước khi trình ký ban hành. UBTVQH đã biểu quyết thông qua Dự thảo Pháp lệnh này.

Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 6, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự đóng góp của các đại biểu, các thành viên Chính phủ góp phần hoàn thành tốt đẹp phiên họp này. Chủ tịch cho rằng, phiên họp đã hoàn thành 5 vấn đề quan trọng như: Đánh giá kết quả thi hành Hiến pháp 1992 và những nội dung quan trọng để trình cơ quan có thẩm quyền; cho ý kiến các dự án luật, Đề án nâng cao chất hoạt động của Quốc hội và nội dung kỳ họp Quốc hội tới; thông qua Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá…và tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ những nội dung quan trọng và truyền hình trực tiếp để nhân dân biết và giám sát…

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các đại biểu trong UBTVQH, các cơ quan liên quan chủ trì, phục vụ tốt nội dung họp để phiên họp được diễn ra tốt đẹp.

M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Dự án Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá trong tố tụng