Quy định về phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai còn chung chung

(TH)| 14/08/2012 12:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục phiên họp thứ 10, sáng 14-8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Dự án Luật do Bộ NN&PTNT chủ trì chuẩn bị; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, mặc dù ban đầu được đặt tên là Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, song qua cân nhắc, Chính phủ đề nghị đổi tên là “Luật Phòng chống thiên tai”. Thẩm tra dự luật, có tới 5 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này, trong đó có ý kiến giữ nguyên tên dự luật như ban đầu.

“Với phạm vi điều chỉnh như được xác định trong dự luật thì Luật Phòng chống thiên tai là hợp lý hơn cả”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng ủng hộ quan điểm của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, việc thay đổi tên gọi như Tờ trình của Chính phủ cần được cân nhắc. Chúng ta không thể loại trừ được thiên tai. Trong khi đó, tên gọi của Luật sẽ thể hiện nhận thức, dẫn đến cách thức ứng phó với thiên tai. Theo ông Khoa, vai trò chủ đạo của Nhà nước cũng như vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong ứng phó với thiên tai cần được thể hiện rõ hơn trong dự luật.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, nhiều điều khoản quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, khó thực hiện. Một số quy định liên quan tới chức năng quản lý Nhà nước về phòng chống thiên tai chưa rõ ràng, nhất quán, gây khó khăn trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cũng như trách nhiệm trong phòng chống thiên tai của các Bộ.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng: Dự thảo luật cần xác định rõ trách nhiệm cũng như có chế tài xử lý đối với các cơ quan tổ chức trong việc phòng chống thiên tai.

Trên thực tế, thời gian qua đã có những thiệt hại không nhỏ về người và tài sản do công tác dự báo, cảnh báo không chính xác, như cơn mưa lớn tại Hà Nội vào tháng 11-2008 gây thiệu hại lên tới 3.000 tỉ đồng. Hoặc có những dự báo đúng nhưng việc tổ chức, ứng phó với thiên tai không tốt nhưng chưa biết quy trách nhiệm và xử lý đối với cơ quan, tổ chức nào.

Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh nhấn mạnh, cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong phòng tránh thiên tai, bảo đảm an toàn cho nhân dân (từ khâu dự báo, thông tin, áp dụng các biện pháp ứng phó…) phải là những nội dung quan trọng không thể thiếu trong Luật.

Liên quan đến nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai, ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng Dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước trong phòng chống thiên tai, bảo đảm cấp đủ ngân sách Trung ương và địa phương cho nhiệm vụ này để việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này được chủ động, đúng mục đích và hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành quy định áp dụng bảo hiểm phòng, chống thiên tai, nhưng cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo mua bảo hiểm. Bà Mai đồng tình cao với ý kiến của ông Khoa về xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chức năng trong phòng tránh thiên tai. Bà Mai nhấn mạnh, để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành địa phương trong công tác này, cần có một ủy ban quốc gia về phòng tránh thiên tai, vì chỉ riêng một bộ ngành chắc chắn không lo nổi... “Đối với hoạt động phòng tránh thiên tai phải huy động toàn bộ các lực lượng, cơ quan và tổ chức cá nhân. Tôi đề nghị phải có một cơ quan giúp Chính phủ, nhưng phải có thêm một số quy định như: Bộ TN-MT có trách nhiệm dự báo. Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm trợ cấp đột xuất và bảo trợ xã hội khi có thiên tai thảm hoạ… Việc này không thể một Bộ chịu trách nhiệm mà cần cơ chế phối hợp khẩn cấp, nhanh gọn và tập trung chỉ đạo rất quyết liệt”.

P.Lan (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai còn chung chung