Nửa thế kỷ với nỗi đau da cam: Sẽ đòi công lý đến cùng!

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

50 năm đã trôi qua nhưng ký ức kinh hoàng của thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2011) vẫn in hằn trong tâm trí biết bao thế hệ. Không chỉ nhân dân trong nước mà dư luận quốc tế cũng hết sức bất bình và luôn sát cánh với Việt Nam trong cuộc chiến đi tìm công lý.

28 điểm cực độc chưa được làm sạch


Thiếu tướng Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam (VAVA) cho biết, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng trên 110.000 tấn chất độc với trên 300.000 tấn chất cháy và 14 triệu tấn bom đạn với sức công phá bằng hai lần số bom đạn đã sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Chất độc hóa học phun rải trên 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, phá hoại trên 3 triệu héc ta rừng và làm 4,8 triệu người Việt bị phơi nhiễm, trong đó có khoảng 3 triệu nạn nhân (có những nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí thế hệ thứ 4).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ, chia sẻ tình cảm với nạn nhân chất độc da cam tại Chương trình giao lưu ủng hộ nạn nhân da cam/điôxin Việt Nam do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức.

Điôxin là một trong những chất gây tác hại lâu dài trên cơ thể con người, đột biến gen và nhiễm sắc thể từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh và tai biến sinh sản. Mặc dù Viện Y học khoa học Hoa Kỳ đã công bố danh mục các bệnh có liên quan đến chất độc da cam ở các cựu binh Hoa Kỳ và Bộ Y tế nước ta cũng đã ban hành danh mục 17 bệnh và nhóm bệnh khác nhau ở các nạn nhân Việt Nam nhưng cả hai văn bản này đều “bỏ qua” hiện tượng gây suy giảm miễn dịch, hội chứng suy mòn cơ thể và phá hủy nội tiết của điôxin với các nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc này.

Vẫn còn hàng triệu người Việt Nam nhiễm độc dioxin do quân đội Mỹ rải xuống.

Học viện Quân Y mới đây đã xác định tần xuất mắc bệnh nội khoa trên một cơ thể là 1,73 bệnh/người, trong đó chủ yếu là các bệnh suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, thiếu máu, bệnh dạ dày tá tràng… Đặc biệt nhiều nhất là bệnh tật liên quan đến ung thư. Tần xuất mắc bệnh chuyên khoa là 2,07 bệnh/người với viêm giác mạc, mắt hột, viêm họng mãn, viêm mũi mãn….

“Nhiều điểm nóng chất độc điôxin vẫn còn tồn tại, chỉ tính theo thông tin từ phía Hoa Kỳ có thể đến 28 điểm. Có thể phải mất 100 năm mới hồi phục môi trường sinh thái, còn đối với sức khỏe, chất độc này vẫn đang gây bệnh tật hiểm nghèo dai dẳng và di truyền qua nhiều thế hệ” - ông Thu nhấn mạnh.


Sẽ đòi công lý đến cùng!


Theo Thiếu tướng Thu, ngày 30-1-2004, VAVA và một số nạn nhân đã gửi tới Tòa án sơ thẩm quận Brooklyn, bang New York (Hoa Kỳ) kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thế nhưng trải qua 5 năm (30-1-2004 đến 2-3-2009), qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa án tối cao liên bang, vụ kiện mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tiền xét xử và cho rằng, chất da cam chỉ là chất diệt cỏ chứ không phải chất độc và nếu có chút độc hại thì chỉ là do… ngẫu nhiên chứ không phải cố ý.

“Chúng tôi vẫn đang chuẩn bị tiếp tục vụ kiện và đang chờ thời cơ để tiến hành. Trong lần kiện này cả nguyên đơn và bị đơn đều sẽ có chọn lọc hơn và sẽ sớm được công bố” - ông Thu cho biết.

Nạn nhân nhiễm chất độc da cam (người ngồi xe lăn) tham dự hội nghị

Ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt, người được coi như “người bạn thân” của các nạn nhân chất độc da cam đã luôn đồng hành trợ giúp họ trong nhiều năm qua cũng cho rằng: “Hoa Kỳ phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Đó là nghĩa vụ đạo đức, dù sớm hay muộn điều đó phải được thực hiện”.


“Việt Nam có 28 điểm nóng cần phải được làm sạch nhưng điều cấp bách hơn là sự chú ý đến yêu cầu của 3 thế hệ nạn nhân tại hầu hết các tỉnh ở Việt Nam. Điều cần thiết là phải có sự cam kết toàn diện đối với yêu cầu chăm sóc nạn nhân và làm sạch những nơi mà điôxin vẫn còn trong đất và nước. Việc tiêu độc các điểm nóng độc hại cần phải được đẩy mạnh. 50 năm là quá dài để chờ đợi công lý và bồi thường!” - bà Jeanne Mirer , Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, đồng Điều phối Ban vận động cứu trợ và trách nhiệm chất độc da cam Việt Nam khẳng định.

Dương Hải

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nửa thế kỷ với nỗi đau da cam: Sẽ đòi công lý đến cùng!