Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

24/07/2012 21:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012, quy định về nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Nghị định được ban hành nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Về nguyên tắc theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Nghị định nêu rõ: cần khách quan, công khai, minh bạch; thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực và theo địa bàn.

 

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

 

Ông Lại Thế Anh, Phó Trưởng phòng công tác thi hành pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại Lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

 

Đồng thời, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định. Huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân.

 

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở xem xét, đánh giá các nội dung: tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; tình hình tuân thủ pháp luật.

 

Các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, gồm: thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; 

 

Cũng theo Nghị định, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành. Hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước trước ngày 15-11.

 

Kinh phí cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị. Việc lập dự toán, phân bổ kinh phí được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2012.

 

PVB

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật