Một năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Mục tiêu vẫn nằm phía trước

19/07/2012 19:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là đánh giá chung của các đại biểu tại Hội thảo "Nhìn lại một năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Ý thức dần được nâng cao

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết: Theo số liệu báo cáo năm 2011, cả nước có hơn 550 vụ việc khiếu nại đến các Sở Công Thương và tỷ lệ giải quyết thành công là trên 90%; gần 2.000 vụ khiếu nại gửi đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở các địa phương và có khoảng 60 vụ gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh. Mặc dù số lượng các vụ việc còn hạn chế nhưng bước đầu người tiêu dùng đã ý thức được việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và đặt niềm tin vào các thiết chế bảo vệ người tiêu dùng.

Một năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Mục tiêu vẫn nằm phía trước

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, trong thời gian qua, ý thức chấp hành pháp Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ý thức xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp đã dần được cải thiện đáng kể. Cộng đồng doanh nghiệp đã có những hoạt động thiết thực trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với việc cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng nhiều hình thức bán hàng thuận lợi với mục đích chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thành lập bộ phận giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, chủ động xây dựng kênh thông tin để tiếp nhận những phản ánh ý kiến của người tiêu dùng.

Thực hiện Điều 22 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng về trách nhiệm thu hồi sản phẩm có khuyết tật, tại Việt Nam đã có hơn 10 trường hợp doanh nghiệp chủ động thu hồi khoảng 15.000 sản phẩm do phát hiện khuyết tật. Ngoài ra, hoạt động đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của Luật cũng được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, cả nước đã có 133 bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu tại Cục Quản lý cạnh tranh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng khi phản ánh các vụ việc vi phạm, Bộ Công Thương đã xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống tiếp nhận và phản ánh của người tiêu dùng bằng điện thoại (Call Center). Với sự ra đời của hệ thống này, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng có thể nhanh chóng phản ánh các thông tin, vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ kịp thời giải quyết bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Thông tin sẽ được phân loại, tổng hợp theo các tiêu chí để các đơn vị chức năng nắm bắt từ đó ban hành các chính sách phù hợp. Đây là kinh nghiệm của nhiều quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Còn nhiều khó khăn

Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng, quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, Sở Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trên phạm vi tỉnh. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến thời điểm này, hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nhiều địa phương còn lúng túng. Các hoạt động mới chỉ tập trung vào việc tổ chức hội nghị mà chưa có những hoạt động mang tính thiết thực, cụ thể.

Ông Bùi Gia Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Đến nay, số người hiểu về Luật Bảo vệ người tiêu dùng chưa nhiều. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ chưa đề ra các mục tiêu cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng cũng như thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg có hiệu lực và đã hết thời hạn đăng ký hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký theo quy định. Với 9 loại hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung thì ở Lạng Sơn có 7 loại hàng hóa dịch vụ nhưng đến nay mới có một doanh nghiệp đăng ký. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến nhiều Luật khác như Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ... và có nhiều lĩnh vực hết sức trừu tượng trong khi các văn bản hướng  dẫn thi hành chưa đồng bộ, thiếu chế tài xử lý nên bước đầu gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng có liên quan khi thực thi công vụ.

Cũng theo ông Nguyễn Phương Nam, để tiếp tục triển khai các quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tập trung nâng cao năng lực cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ vận hành chính thức hệ thống Call Center và đưa trang thông tin điện tử về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào hoạt động nhằm giúp người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp hiểu các quy định pháp luật, phản ánh những thắc mắc của người tiêu dùng đến các đơn vị chức năng.

Đỗ Thảo
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Mục tiêu vẫn nằm phía trước