Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Khẳng định Tòa án là trọng tâm của nền tư pháp nước nhà

22/10/2013 22:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, sáng qua 22/10, Quốc hội (QH) đã nghe các báo cáo: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; công tác phòng chống tham nhũng và tình hình triển khai thi hành các Luật, nghị quyết đã được QH khóa XIII thông qua.

Tòa án là trọng tâm và xứng tầm

 

Trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho hay, sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) đã chỉ đạo Ban biên tập nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, làm việc với cấp ủy, chính quyền một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xin ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, trình xin ý kiến Bộ Chính trị, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI); đồng thời, tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý Dự thảo.

 

Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Với quan điểm Tòa án là trọng tâm của nền tư pháp nước nhà, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, DTSĐHP 1992 (Dự thảo) trình Quốc hội lần này đã dành hẳn một chương riêng quy định về chức năng nhiệm vụ của TAND và VKSND.

 

Theo đó, “quyền tư pháp” của Tòa án được thể hiện rõ trong Điều 102 của Dự thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng, trong nhà nước pháp quyền thì quyền tư pháp về bản chất là quyền xét xử. Việc quy định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp là để thể hiện đúng bản chất đó. Viện kiểm sát là cơ quan thực hiện quyền công tố và là một bên tham gia tố tụng, nên nếu quy định Viện kiểm sát cũng thực hiện quyền tư pháp là không phù hợp. Ủy ban DTSĐHP cũng đồng tình với quan điểm này và đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như Dự thảo. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đang tiến hành cải cách hệ thống Tòa án theo thẩm quyền và không tổ chức Tòa án theo đơn vị hành chính. Do vậy, việc kết hợp tổ chức theo nguyên tắc kết hợp thẩm quyền và đơn vị hành chính là không phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. 

 

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Khẳng định Tòa án là trọng tâm của nền tư pháp nước nhà

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi họp

 

Bảo vệ công lý và các quyền của con người

 

Với vị trí và tầm quan trọng của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Dự thảo một lần nữa khẳng định về nhiệm vụ cao cả của ngành TAND là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

Và, để thực hiện tốt nhiệm vụ lớn đó, điều cần thiết là phải trao quyền cho TANDTC - đó là việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định (Điều 104). Đây cũng chính là quan điểm khẳng định TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

 

Nhiều ý kiến đồng tình vì thực tế cho thấy, Luật Tổ chức TAND đã quy định thẩm quyền tổng kết công tác xét xử của TANDTC và việc thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng xét xử và việc áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động của TAND các cấp. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP cũng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định này như trong Dự  thảo.

 

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC vào Điều 104 vì Hội đồng Thẩm phán là cơ quan xét xử cao nhất và thực hiện giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, Ủy ban DTSĐHP cho rằng, TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, còn Hội đồng Thẩm phán là thiết chế giúp TANDTC thực hiện nhiệm vụ này. Mặt khác, để đổi mới TANDTC theo chủ trương cải cách tư pháp thì Hiến pháp không nên quy định cụ thể về Hội đồng này. Vậy nên, Ủy ban DTSĐHP đề nghị, Quốc hội không quy định về Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong Hiến pháp mà nên quy định trong Luật Tổ chức TAND.  

 

Về đề nghị bổ sung thẩm quyền ban hành án lệ, Ủy ban DTSĐHP nhận định, trên cơ sở các quy định của hệ thống pháp luật nước ta, TANDTC đã, đang thực hiện chức năng tổng kết thực tiễn xét xử và bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật. Việc thực hiện chức năng này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các Tòa án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, việc ban hành và áp dụng án lệ đối với nước ta là vấn đề mới và đang còn có ý kiến khác nhau nên chưa thể quy định trong Hiến pháp mà cần được tiếp tục nghiên cứu và xem xét khi sửa đổi, bổ sung Luật.

 

Tại khoản 7 Điều 70 của Dự thảo quy định, thẩm quyền của Quốc hội là phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không quy định thẩm quyền này vì cho rằng, số lượng Thẩm phán TANDTC khá lớn, việc giao Quốc hội phê chuẩn các chức danh này là khó khả thi và không phù hợp. Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban DTSĐHP cho rằng, các Thẩm phán TANDTC có vị trí, vai trò rất quan trọng trong hoạt động xét xử. Hiện tại, TAND đang được cải cách theo yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo đó, thẩm quyền, tổ chức bộ máy và số lượng Thẩm phán của TANDTC sẽ được cải cách theo hướng gọn nhẹ, bảo đảm TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, đồng thời nâng cao vị thế của Thẩm phán TANDTC. Vì vậy, việc trao thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC là cần thiết, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp.

 

Mai Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Khẳng định Tòa án là trọng tâm của nền tư pháp nước nhà