Hà Nội đề nghị chỉ tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Hà Nội vừa tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 và đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Hiến pháp này.

HĐND chưa có thực quyền

Qua quá trình rà soát đã nổi lên các vấn đề cần phải sửa đổi như: Hiến pháp 1992 không đặt vấn đề thay đổi căn bản địa vị pháp lý của HĐND, UBND, cũng chưa đề cập đến vấn đề phân quyền theo chiều dọc trong mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương. Về mặt pháp lý, HĐND được trao nhiều thẩm quyền quan trọng, trên thực tế chức năng, nhiệm vụ của HĐND lớn nhưng quyền lại hạn chế hoặc không sử dụng hết quyền năng của mình. Các đại biểu HĐND qua giám sát, tiếp xúc cử tri phát hiện các vấn đề thì chỉ lắng nghe rồi “kính chuyển”, đề nghị UBND, các cơ quan chức năng giải quyết vì HĐND không có quyền hạn này.



Luật hiện hành quy định thẩm quyền, nhiệm vụ của các cấp HĐND và UBND gần giống nhau, do đó trong thực tế có tình trạng cùng vấn đề cả ba cấp HĐND cùng bàn bạc và ra nghị quyết; một số nhiệm vụ luật định, HĐND và UBND cấp xã không có khả năng thực thi; vai trò đại diện cho quyền lực Nhà nước ở địa phương của HĐND các cấp chưa thể hiện rõ.


Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 119 theo hướng không quy định HĐND là cơ quan quyền lực ở địa phương mà là “đại diện” cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; sửa Điều 123 thành “UBND là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trên và Nghị quyết của HĐND”; sửa đổi Điều 144, ghi nhận Luật Thủ đô vào trong Hiến pháp...


Cần thay đổi mô hình chính quyền hiện tại


LS Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội cho rằng: HĐND và UBND là chế độ mặc định, địa vị pháp lý không có chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. HĐND phải chịu sự chi phối bởi hai nhánh, đó là quyền lực Nhà nước vì nếu không có quyền lực thì HĐND không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình. Thứ hai là đại diện cho dân, nếu không có đại diện cho dân thì chỉ cần UBND là đủ. UBND cũng phải chịu 2 nguồn điều chỉnh, đó là: Cơ quan hành pháp cấp trên và Nghị quyết của HĐND. HĐND và UBND ở cấp thành phố là bất di bất dịch, không thể gọi bằng tên khác được, phải gắn với chữ “nhân dân” để thể hiện trách nhiệm trước dân.


Hà Nội đề nghị sửa Hiến pháp theo hướng tổ chức chính quyền địa phương ở hai cấp tỉnh - xã. Trong đó, chính quyền đô thị chỉ tổ chức HĐND ở cấp thành phố, còn UBND đổi thành ủy ban hành chính hoặc tòa thị chính để nhấn mạnh tính hành chính. Ủy ban quận, phường chỉ là đại diện của cơ quan hành chính cấp trên đặt tại địa bàn. Chính quyền nông thôn thì bỏ hẳn HĐND cấp huyện, coi UBND huyện chỉ là cấp hành chính trung gian. Riêng cấp xã vẫn giữ cơ cấu hoàn chỉnh, có cả UBND và HĐND.


Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo băn khoăn: Nếu bỏ HĐND huyện thì đội ngũ cán bộ này đi đâu, nên cần có một tổ chức dung hòa giữa huyện và xã. Tuy nhiên, ông cho biết, sửa Hiến pháp lần này đặt trong bối cảnh Đảng nhấn mạnh hơn vấn đề phân quyền. Điều đó sẽ dẫn tới yêu cầu tăng cường tính tự quản trong tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Ban biên tập sửa Hiến pháp đang nghiêng theo mô hình chính quyền hai cấp, áp dụng cho cả đô thị và nông thôn.


M. Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đề nghị chỉ tổ chức chính quyền địa phương hai cấp