Giải quyết nợ đọng BHXH: Tăng quyền thanh tra cho ngành Bảo hiểm là cần thiết

Ngọc Mai| 24/10/2014 17:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng chục nghìn tỷ đồng nợ đọng BHXH đang không chỉ trở thành nỗi lo của ngành Bảo hiểm, mà của cả Chính phủ và toàn xã hội, trở thành vấn đề “nóng” tại phiên thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội ngày 23/10.

Nỗi lo hàng chục tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm

Nợ đọng BHXH ngày một gia tăng về giá trị tuyệt đối, đang ở mức báo động. Theo số liệu báo cáo, năm 1997, số nợ chậm đóng BHXH mới chỉ là 307 tỷ đồng, bằng 8% tổng số phải thu trong năm. Năm 2012, nợ đọng BHXH bắt buộc cũng lên 4.274 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đến tháng 6/2013, các doanh nghiệp còn nợ đọng gần 6.000 tỷ đồng. Tiếp tục đến hết tháng 8/2014, tổng số nợ BHXH, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp là 11.651,7 tỷ đồng, diễn ra ở hơn 54.000 tổ chức, DN, ảnh hưởng quyền lợi của 714.000 lao động. Trong số đơn vị này, có trên 8.000 đơn vị ngừng hoạt động, không còn giao dịch với cơ quan BHXH, đi liền với đó là hơn 30.000 lao động có nguy cơ mất quyền lợi cơ bản về BHXH, BHYT.

Giải quyết nợ đọng BHXH: Tăng quyền thanh tra cho ngành Bảo hiểm là cần thiết

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu ý kiến

Để con số nợ đọng bảo hiểm ngày càng tăng cao, các DN có đầy đủ các “chiêu”, “trò” để lách luật. Trưởng phòng thu BHXH tỉnh Phú Yên Trần Văn Dũng nêu đơn cử về một DN làm ăn hiệu quả trên địa bàn tỉnh, nhưng đều đóng cùng một mức BHXH cho người lao động. Đó là, Công ty Cavina, số kê khai BHXH là 786 triệu đồng/năm 2013, với mức lương bình quân là 1,9 triệu đồng/người/tháng, nhưng số kê khai với cơ quan thuế là 977 triệu đồng, với mức thu nhập bình quân là 4,9 triệu đồng/người/tháng.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm

Nhằm đưa ra các biện pháp khắc phục tình trạng, lách luật, trốn tránh nộp BHXH cho người lao động, tại phiên thảo luận, đa số ĐBQH tán thành việc bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ, thời hạn từ 1- 3 tháng vào nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc, nhằm mở rộng diện an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị: “Trong thời gian tới, cần mở rộng, bổ sung với các đối tượng làm hợp đồng 1 - 3 tháng phải đóng BHXH bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tránh việc lách luật, ký liên tiếp các hợp đồng 3 tháng. Vì 3 tháng đầu chỉ được coi là thời gian thử việc, sau đó phải ký hợp đồng để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động”.

Cụ thể hơn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nêu: “Trong thời gian qua, nhiều nơi sử dụng lao động xác định hợp đồng dưới 3 tháng nhưng không ký hợp đồng, chỉ xác định bằng lời nói nên khó xác định để đóng BHXH. Đề nghị yêu cầu các đơn vị này xác lập bằng văn bản cho hợp đồng lao động dưới 3 tháng”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhìn nhận, lực lượng lao động này rất đông, nếu không đưa vào Luật, vô hình chung đã đặt họ ngoài chính sách. Tuy nhiên, còn không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này do công tác quản lý đối tượng phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý lao động còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, chính sách được triển khai thuận lợi, cần tiên lượng những khó khăn phát sinh và có giải pháp phù hợp để đưa chính sách đi vào cuộc sống được tốt hơn.

Giải quyết nợ đọng BHXH: Tăng quyền thanh tra cho ngành Bảo hiểm là cần thiết

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi phát biểu ý kiến thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Việc quản lý các đối tượng này vô cùng phức tạp, sẽ phát sinh nhiều đơn vị sử dụng lao động nhỏ, người lao động thay đổi công việc và nơi làm việc liên tục, trong khi đó trang thiết bị, công nghệ và trình độ quản lý của bảo hiểm xã hội còn nhiều hạn chế. Điều này sẽ phát sinh nhiều khó khăn trong công tác quản lý và khi không quản lý được sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, lạm dụng, giả mạo.

Tăng quyền thanh tra cho BHXH

Đưa ra một trong những bất cập lớn trong giải quyết vấn đề nợ đọng BHXH, Phó Trưởng phòng thu BHXH Hà Nội Nguyễn Dương chia sẻ: “Chúng tôi biết là có sự chênh lệch, khác nhau về hồ sơ đóng BHXH và hồ sơ DN, nhưng ngành BHXH chỉ có quyền đôn đốc, nếu DN vẫn không thực hiện thì chỉ có quyền kiến nghị xử lý, hoặc phối hợp thanh tra liên ngành của địa phương. Thanh tra rồi mà DN vẫn chây ỳ thì khởi kiện ra Tòa dân sự”.

Để xử lý việc lách luật trốn đóng BHXH, hay cố tình chây ỳ chậm nộp, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đề nghị, cần bổ sung cho BHXH thẩm quyền thanh tra trong lĩnh vực đóng BHXH, bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng, hay chiếm dụng BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. “Nếu không được cho phép trang bị những công cụ mới này, ngành BHXH không thể đảm đương nổi những nhiệm vụ ngày càng nặng nề”, bà Minh nói.

Đồng quan điểm, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, việc tăng quyền thanh tra lên cho hơn 500 cán bộ đang làm công tác kiểm tra của bảo hiểm là cần thiết, vì khi có thêm chức năng thanh tra, họ có thêm quyền lập biên bản phạt, thêm quyền xử lý, chắc chắn sẽ khắc phục được sự quá tải của lực lượng thanh tra lao động và việc này sẽ tốt hơn cho người lao động. Ngoài ra, sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH.

Tuy nhiên cũng có ý kiến còn băn khoăn, “việc giao chức năng thanh tra đóng bảo hiểm xã hội cho tổ chức bảo hiểm xã hội là chưa phù hợp, không thể “lưỡng tính,” vừa là cơ quan nhà nước, vừa là tổ chức tài chính. Điều này vừa mâu thuẫn với một số quy định hiện hành, vừa gây chồng chéo” ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết nợ đọng BHXH: Tăng quyền thanh tra cho ngành Bảo hiểm là cần thiết