Gắn lợi ích người dân với việc trồng và bảo vệ rừng

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 11-10, UBTVQH tiếp tục họp phiên thứ 3. Tại buổi họp này các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về kết quả thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng và kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì cuộc họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo


Rừng giúp người dân xóa đói, giảm nghèo


Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch trồng mới 5 triệu ha rừng theo Nghị quyết của Quốc hội cả hai giai đoạn (từ 1998-2010) cơ bản đã đảm bảo các khâu: Bảo vệ rừng, nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt. Trữ lượng rừng từng bước được tăng lên, góp phần quan trọng cải thiện môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của đất nước; tạo rừng mới và trồng cây công nghiệp, cây ăn quả hình thành nên các vùng nguyên liệu góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất và ổn định đời sống dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh.


Tuy nhiên, bên cạnh đó có những tồn tại, bất cập như: Độ che phủ rừng còn thấp so với yêu cầu, diện tích đất trống đồi núi trọc vẫn còn nhiều (hơn 2 triệu ha); Một số nơi tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ còn diễn ra gay gắt, gây hậu quả nghiêm trọng; Chất lượng của từng loại rừng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên tăng chậm, thậm chí nhiều khi rừng còn bị suy giảm; Khả năng đáp ứng về gỗ cho nền kinh tế còn thấp…


Đóng góp ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm UBTPQH Nguyễn Văn Hiện băn khoăn, việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn nhiều vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Chẳng hạn như giá thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức nước ngoài là quá thấp (bình quân khoảng 180.000 đồng/ha) trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất để trồng rừng. Nhưng trong báo cáo của Chính phủ phần đánh giá những tồn tại, bất cập lại không đề cập vấn đề này. Vì vậy nên có những bổ sung cụ thể vấn đề này để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, diện tích 16,2 triệu ha đất rừng là con số không nhỏ, là nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn sinh sống nên có vị trí rất quan trọng đối với người dân. Việc chặt phá rừng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đến an ninh quốc phòng mà vấn đề đặt ra với diện tích rừng rộng lớn như thế làm thế nào ta khai thác hết lợi thế tiềm năng, vừa bảo vệ rừng, vừa không phải đi nhập khẩu gỗ nguyên liệu như hiện nay. Báo cáo cần phải đưa ra được nhiều vấn đề gai góc để trình Quốc hội.


Rừng còn xanh nhưng bị mất “lõi”


Theo Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý, qua báo cáo thấy rằng mục tiêu dự án mà Nghị quyết QH đề ra cơ bản hoàn thành, nhưng nếu tách từng con số ra mới thấy được cái tồn tại, cái chưa làm được. Có hiện tượng phá rừng cũ trồng rừng mới hay không, con số là bao nhiêu phải làm rõ? Chưa rõ trách nhiệm ở đây là ai và kiến nghị với Quốc hội về dự án này như thế nào? Vì trong báo cáo không đề cập đến vấn đề này.


Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Nguyễn Kim Khoa bức xúc, rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp, khuyến cáo 2002 của UBTVQH chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn phá rừng, cháy rừng…chưa khuyến khích được việc bảo vệ rừng. Có nhiều nơi, rừng bị chặt phá trắng, có nơi rừng còn xanh ngút ngát nhưng không có “lõi” - gỗ tốt đã bị khai thác trộm hết rồi. Chúng ta phải tính được hiệu quả có tương ứng với đầu tư, nhất là đầu tư tạo vùng rừng nguyên liệu, chứ như hiện nay phải nhập khẩu nguyên liệu đến 80% trong kim ngạch xuất khẩu gỗ trị giá 3,55 tỷ USD năm 2010.


Giải pháp tốt nhất cho việc bảo vệ và phát triển rừng hiện nay theo Chủ nhiệm UBTC-NS Phùng Quốc Hiển là bên cạnh những mục tiêu che phủ, diện tích rừng tự nhiên ngày càng tăng, thì cần phải chú trọng đến đời sống người dân vùng có rừng. Đó là việc trồng rừng kinh tế là loại rừng góp phần phủ nhanh đất trống đồi trọc nhưng diện tích chưa tương xứng. Loại rừng này đem lại hiệu quả kinh tế và gắn người dân với phát triển rừng.


Cũng theo ông Hiển, chúng ta phải thay đổi tư duy trong việc phủ xanh đất trống chứ không nên quá cứng nhắc. Phải chủ trương rõ, khi cuộc sống khó khăn lấy khoanh nuôi và bảo vệ rừng là chính, trồng rừng chỉ là bước thứ hai và ưu tiên rừng kinh tế - vừa giảm kinh phí vừa phát huy được hiệu quả thu hút người dân. Bởi lẽ, chỉ khi nào người dân thấy rằng rừng đem lại lợi ích cho họ thì việc triển khai đó mới hiệu quả. Ngoài ra, gắn với đó phải có chế tài xử lý những hành vi vi phạm. Hiện chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những vi phạm, rừng còn xanh đấy nhưng đã bị “rút lõi” gỗ tốt rồi.


M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn lợi ích người dân với việc trồng và bảo vệ rừng