Dự án Luật Khiếu nại: Đề cao quy định việc tiếp công dân

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo kế hoạch, dự án Luật Khiếu nại sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, và chiều 24-10, họp phiên toàn thể tại hội trường đã nhận được ý kiến phát biểu sôi nổi của các đại biểu Quốc hội.

Phó Chánh án TANDTC, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) Trần Văn Độ phát biểu ý kiến.

Thống nhất cao về phạm vi điều chỉnh


Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung đi sâu phân tích, cho ý kiến về các vấn đề: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng khiếu nại nhiều người; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; tiếp công dân khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức…


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khiếu nại do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày đã nêu rõ về những ý kiến còn khác nhau xung quanh vấn đề về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.


Về phạm vi điều chỉnh có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đề nghị làm rõ việc áp dụng Luật này đối với đơn vị sự nghiệp công lập đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Loại ý kiến thứ hai đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại, theo đó công dân được quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mọi cơ quan, tổ chức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân được ghi nhận tại Điều 74 của Hiến pháp.


Qua thảo luận, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật: “Luật này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức tiếp công dân quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại”.


Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng khiếu nại và giải quyết khiếu nại xảy ra ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước và xã hội, mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng nên trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại ở mỗi lĩnh vực là khác nhau, ở các loại hình cơ quan, tổ chức là khác nhau. Vì vậy dự án Luật không thể quy định cụ thể trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho tất cả lĩnh vực, tất cả các loại hình cơ quan, tổ chức khác nhau trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại của công dân không chỉ được quy định trong Luật Khiếu nại mà còn được quy định trong nhiều đạo luật khác như BLTTHS, BLTTDS…


Tiếp công dân khiếu nại phải “thực chất”


Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) tán thành với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó để đảm bảo quyền khiếu nại của công dân được quy định tại Điều 74 của Hiến pháp và cũng phù hợp với Luật Tố tụng hành chính vừa được Quốc hội ban hành, thực tiễn giải quyết khiếu nại hiện nay và kế thừa quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, vấn đề này cần được xử lý trong quy định về áp dụng pháp luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại tại Điều 3 của dự án Luật.


Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc quy định khiếu nại nhiều người trong dự án Luật để làm căn cứ giải quyết việc khiếu nại nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cần làm rõ khái niệm “khiếu nại nhiều người” để phân biệt với khiếu nại của nhiều người về những vụ việc khác nhau, nhiều người đi khiếu nại tập hợp với nhau thành từng đoàn… Đại biểu cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên việc quy định như thế nào cần phải được cân nhắc kỹ về nhiều mặt.


Thảo luận về việc tiếp công dân, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần tiếp tục quy định việc tiếp công dân trong Luật này nhưng phải khắc phục được tính hình thức, chưa phù hợp thực tế.


Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong khi chờ xây dựng một văn bản pháp luật riêng về công tác tiếp công dân thì vẫn cần thiết quy định trong Luật này việc tiếp công dân. Do việc tách Luật Khiếu nại, tố cáo thành 2 đạo luật nên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của từng dự án luật, cả hai luật đều phải quy định vấn đề tiếp công dân.


Theo đó, dự án Luật Khiếu nại quy định theo hướng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại. Người tiếp công dân đến khiếu nại hoặc tố cáo phải ghi nhận ý kiến của công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết...

Quỳnh Hoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Khiếu nại: Đề cao quy định việc tiếp công dân