"Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" khẳng định chủ quyền

Theo Tin tức| 15/08/2012 22:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, do Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ làm chủ biên vừa được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông giới thiệu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả trong và ngoài nước.

Tác giả cuốn sách đã dành cho phóng viên cuộc phỏng vấn xung quanh cuốn sách này.

Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh: dangcongsan.vn

PV: Ông hãy cho biết ý tưởng viết cuốn sách này xuất phát từ đâu, thưa ông?

Ông Trần Công Trục: Thời gian qua, thông tin về vấn đề biên giới lãnh thổ đến với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế còn chưa nhiều, chưa kể một số thông tin thiếu chính xác, nhất là trên mạng Internet... Theo tôi, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ, hành động của một bộ phận người dân chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của chủ trương, đường lối và sự quyết tâm của Nhà nước ta trong việc bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là chủ quyền trên biển, chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Với những suy nghĩ đó và những thuận lợi có được những tư liệu quý, tôi đã quyết tâm biên soạn cuốn sách này (cũng là theo đề nghị của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông).

Nhiều điều trong cuốn sách không mới mẻ, nó đã từng được đề cập ở nhiều nơi, với nhiều hình thức, tôi chỉ là người nghiên cứu, tổng hợp, sắp xếp lại tất cả những tư liệu đó theo một hệ thống, logic, đáp ứng nhu cầu của công chúng trong thông tin ở lĩnh vực biên giới, lãnh thổ.

PV: Ông có thể giới thiệu sơ qua về nội dung cuốn sách?

Ông Trần Công Trục: “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” gồm 400 trang với 4 chương. Chương một giới thiệu tổng thể vị trí địa lý, vai trò của biển, đảo Việt Nam với nền kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước, trong đó nêu đầy đủ về vị trí các đảo, bãi cạn thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tên gọi của các đảo. Chương hai đưa ra các cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam trong phạm vi lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế.

Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình và kết quả pháp điển hóa Luật Biển quốc tế mới tại Hội nghị Luật Biển của Liên hợp quốc lần thứ 3; đồng thời cũng từng bước ban hành các biện pháp nhằm quản lý các vùng biển và thềm lục địa của đất nước. Ngoài ra, chương này cũng nêu rõ phạm vi và quy chế pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

Trong chương III, cuốn sách đã lược lại cụ thể quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn đến thời chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và đổi mới, hội nhập đất nước. Từ đó, khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất từ thế kỷ XVII.

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Chương cuối cùng nêu thực trạng và những giải pháp xung quanh vấn đề tranh chấp biển Đông.

Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục, nêu các văn bản chính thức của nhà nước Việt Nam về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; các bài nghiên cứu về Biển Đông của các nhà khoa học.

Theo tôi biết, đây là cuốn sách đầu tiên tổng hợp về lĩnh vực biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Trước đây, chỉ có từng cuốn độc lập hoặc về biên giới trên bộ, hoặc về các vùng biển và thềm lục địa, hoặc riêng về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bìa sách Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông.

PV: Được biết ông từng có thời gian dài công tác tại Bộ Ngoại giao và nguyên là Trưởng ban Biên giới Chính phủ, xin ông cho biết, quá trình công tác đó đã có tác động như thế nào và giúp ích gì cho ông trong việc viết cuốn sách này?

Ông Trần Công Trục: Quả thật, cuốn sách là sản phẩm của hơn 30 năm gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là chủ quyền trên biển. Quá trình công tác tại Ban Biên giới của Chính phủ, nay là Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao đã giúp tôi tích lũy vốn hiểu biết quí báu, những chuyến công tác cho tôi hiểu thực tế, giúp tôi kiểm chứng thông tin, sự tìm tòi, nắm sâu những vấn đề trong đấu tranh toàn diện bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Đấu tranh về tuyên truyền trong dư luận, đấu tranh về pháp lý, chính trị, ngoại giao... những đúc kết được trong quá trình công tác và sự hợp tác nhiệt tình của các cộng sự, đã giúp tôi hoàn thành cuốn sách. Cuốn sách chứa đựng những thông tin đã được chắt lọc, tổng hợp, kiểm định, giúp ích cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, những người muốn tìm hiểu lĩnh vực này.

PV: Từ khi ra mắt cuốn "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" đến nay, ông đã nhận được những phản hồi gì từ phía độc giả và ông cảm thấy như thế nào trước những phản hồi đó?

Ông Trần Công Trục: Ngay sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ độc giả, từ miền Tây Nam Tổ quốc, Nam bộ, đến miền biên giới xa xôi, hải đảo, các đồn biên phòng, các trường học... Một thầy giáo THCS ở Sóc Trăng đã gửi đến tôi lời cảm ơn vì cuốn sách. Thầy nói, đây là cuốn sách được mong chờ và rất hữu ích để giới thiệu với học sinh về chủ quyền của Tổ quốc.

Mặc dù chưa được dịch ra các thứ tiếng nước ngoài, nhưng tôi cũng nhận được phản hồi từ các độc giả Trung Quốc, một số học giả Trung Quốc đã bày tỏ đồng tình với quan điểm nêu trong cuốn sách, tuy nhiên cũng có ý kiến không đồng ý với quan điểm đó và họ cho rằng tôi đã sai lầm khi nêu nguyên tắc giải quyết chủ quyền lãnh thổ quốc gia đối với các quần đảo trong Biển Đông dựa theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ cuốn sách, độc giả sẽ thấy hoàn toàn không phải như vậy, bởi tôi đã đề cập rất rõ rằng, việc hoạch định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn của các quốc gia ven biển thì căn cứ vào Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, còn những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ phải được giải quyết theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế đã được thế giới thừa nhận.

Với tôi, càng nhận được nhiều phản hồi, kể cả trái chiều, tôi càng phấn khởi bởi điều đó chứng tỏ cuốn sách được mọi người quan tâm. Tôi sẵn sàng đối chất với những quan điểm, ý kiến trái chiều. Quan trọng là những thông tin tôi đưa ra đã đến được với mọi người.

PV:Cảm ơn ông!

Đỗ Quyên (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" khẳng định chủ quyền