Đặc xá và tái hòa nhập cộng đồng

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân dịp Quốc khánh 2-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định đặc xá cho 10.244 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và 291 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện theo quy định của đặc xá. Trong đó có 11 người nước ngoài, 5 trường hợp phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia… Một vấn đề đặt ra hậu đặc xá là những người trở về

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác đặc xá

Rất ít trường hợp được đặc xá tái phạm


Thông tin do Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ tại buổi họp báo công bố lệnh đặc xá của Chủ tịch nước cho biết, trong số 10.244 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 291 người được hoãn, được đình chỉ chấp hành án phạt tù được đặc xá có 335 người phạm các tội liên quan đến quản lý kinh tế. 111 người liên quan đến các tội danh về chức vụ như tham ô, hối lộ. Trong số 446 phạm nhân trên, có 150 người từng là cán bộ, viên chức trong bộ máy nhà nước.


Cũng trong đợt đặc xá lần này, có 11 phạm nhân là người nước ngoài: 4 người Trung Quốc, 3 người có quốc tịch Lào, còn lại là các phạm nhân Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc mỗi nước một người.


Được biết, hiện cả nước đang có trên 10 vạn phạm nhân cải tạo tại các trại giam.


Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá là thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, kế thừa và phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án tù và khuyến khích họ phấn đấu rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.


Một thông tin rất đáng mừng như Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương cho biết là tỷ lệ tái phạm của người được đặc xá rất thấp (chỉ 0,54%), thể hiện tính đúng đắn, hiệu quả về mặt chính trị, kinh tế, xã hội trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về đặc xá. Năm 2010, chúng ta đặc xá cho hơn 17.300 người, nhưng người tái phạm đến thời điểm này chỉ là 27 người, trong đó xử lý hình sự 24 người.


Tái hòa nhập


Thực tế những năm qua cho thấy nhiều phạm nhân sau khi được đặc xá đã hòa nhập tốt với cộng đồng, trở thành những công dân tốt, thành đạt trong cuộc sống, nhưng bên cạnh đó không ít người gặp khó khăn do không có nghề nghiệp, do bị kỳ thị hay bản thân họ mặc cảm. Vì vậy, vấn đề tái hòa nhập cộng đồng của những người được đặc xá nói riêng, những người có quá khứ lỗi lầm nói chung là mối quan tâm của Nhà nước và từng địa phương, mỗi trại giam, mỗi gia đình và cá nhân người trở về.

Học nghề trong trại để tái hòa nhập cộng đồng


Trại giam số 6 đóng ở huyện Thanh Chương chuẩn bị cho lễ đặc xá, đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân, kết hợp mời các doanh nghiệp trên địa bàn để giao lưu, gặp gỡ và giới thiệu việc làm cho phạm nhân sắp được đặc xá. Đây là dịp không chỉ để người thân phạm nhân gặp gỡ, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, động viên phạm nhân cải tạo tốt mà thông qua việc gặp gỡ các doanh nghiệp, trại giam muốn tạo điều kiện giới thiệu việc làm cho những trường hợp được đặc xá sắp tới, sớm hòa nhập cồng đồng.


Ban Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên thì tổ chức cho các phạm nhân được xét đặc xá tham gia lớp học tái hòa nhập cộng đồng. Tại đây, các phạm nhân được học một số nội dung cơ bản của Luật Cư trú, Luật Giáo dục, Luật Giao thông, một số vấn đề thực tiễn để phòng tránh tệ nạn xã hội; tổ chức thảo luận và tư vấn cho các phạm nhân các nội dung liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng. Điểm nổi bật của lớp học này là phạm nhân tham gia được hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm việc làm, đồng thời liên hệ với chính quyền, các cơ quan đoàn thể địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, bố trí công việc phù hợp. Bởi thất nghiệp sẽ là nguyên nhân khiến các phạm nhân quay trở lại với con đường cũ.


“Triển khai một số biện pháp tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù” thể hiện sự quan tâm của Ban giám thị Trại giam Phú Sơn 4 đối với những người phạm nhân sau khi họ ra trại. Như các trại giam khác, Phú Sơn chú trọng đến công tác dạy nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, tạo “cần câu cơm” cho người chấp hành xong án phạt tù.


Những người được đặc xá, tha tù trước thời hạn đang tập hợp nhau thành “lớp Phú Sơn 4”, để nỗ lực giúp trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều người được đặc xá khá thành đạt trong kinh doanh, sản xuất và họ sẵn sàng nhận những người vừa được hưởng khoan hồng của Nhà nước như bố trí công việc, tư vấn, giúp đỡ tiền bạc, động viên tinh thần.


Từ thực tế đó cho thấy, Nhà nước và các địa phương nên có nhưng quy định ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đối với những doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm, tiếp nhận người có quá khứ lỗi lầm vào làm việc.


Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8), Bộ Công an cũng cho biết là sẽ có Nghị định đảm bảo cho người đặc xá hòa nhập cộng đồng. “Chúng tôi đang tham mưu với Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định về bảo đảm các điều kiện cho người đặc xá, tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định quy định về cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp, trách nhiệm của chính quyền, cộng đồng dân cư, chính sách ưu đãi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người được đặc xá, tha tù cũng như việc các cấp chính quyền, tổ chức xã hội tham gia tích cực vào quan tâm, tạo công ăn việc làm cho người được đặc xá, tha tù để loại trừ được các nguyên nhân, điều kiện làm cho họ phạm tội trở lại”.

Thái Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc xá và tái hòa nhập cộng đồng