Đầu tư công từng bước “nhường sân” cho tư nhân

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều 16-3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã giải đáp thẳng thắn về nhiều vấn đề thời sự như tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế…đồng thời khẳng địn

Ảnh Chinhphu.vn

Giảm tỷ trọng đầu tư công

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, khi đất nước mới giải phóng, thành phần kinh tế Nhà nước chiếm vai trò chủ đạo trong khi các doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển nhiều. Vì vậy, hầu hết các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng đều chủ yếu dựa vào nguồn vốn Nhà nước, còn lĩnh vực kinh doanh cũng chủ yếu dựa vào thành phần kinh tế tập thể và doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, từ khi Việt Nam bước vào đổi mới, thành phần kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ, từng bước chiếm tỷ trọng rất cao trong đầu tư.

Trong giai đoạn 2001-2005, tỷ trọng của đầu tư nhà nước chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong khi khối tư nhân chiếm 32,6%. Từ nay đến 2015, chủ trương của Nhà nước là phấn đấu giảm tỷ trọng đầu tư công xuống còn 37-39% và khối tư nhân sẽ tăng lên 45-46%.

Những lĩnh vực mà khối tư nhân có thể đầu tư thì Nhà nước sẽ dành cho khối tư nhân. Trong những năm tới, Nhà nước giảm dần tỷ trọng đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, huy động nhiều hơn từ các thành phần ngoài Nhà nước tham gia đầu tư, kể cả vào kết cấu hạ tầng. Theo đó, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Nhà nước sẽ tập trung vào ngành nghề mang tính chất dịch vụ công, các lĩnh vực tư nhân làm không hiệu quả, quốc phòng, an ninh, đầu tư cho vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn.

Nhà nước sẽ có phần vốn hỗ trợ tư nhân thông qua các mô hình như đối tác công tư (PPP). Hiện Bộ phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm làm PPP để hoàn thiện khung pháp lý này cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế. Bộ cũng đang xây dựng, chọn lựa những dự án lớn trong kết cấu hạ tầng để kêu gọi các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, lực lượng tư nhân cũng chưa có nhiều nguồn lực nên không phải những gì Nhà nước mong muốn xã hội hóa thì khu vực tư nhân đều có thể đáp ứng được. Sự tham gia của tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng, nhưng cũng phải từng bước chứ không thể ngay lập tức có thể làm được tất cả, Bộ trưởng khẳng định.

Công khai ngân sách, giảm bớt “xin-cho”

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ngay khi bước vào năm 2012, Bộ đã đề nghị Chính phủ cho phép công bố toàn bộ số vốn cấp cho các địa phương, Bộ, ngành trong năm và giao lại quyền phân bổ, lựa chọn dự án đầu tư cho Chủ tịch UBND các tỉnh và Bộ trưởng các bộ. Bộ cũng trình Chính phủ xây dựng Nghị định về đầu tư phát triển trung hạn 5 năm, trước mắt là 3 năm (2013-2015).

Với các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ ngân sách cụ thể, Chính phủ sẽ công khai ngân sách cấp trong 3 năm cho các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, các địa phương sẽ chủ động sử dụng để đạt hiệu quả cao nhất. Đây là cơ chế được các tổ chức quốc tế, Bộ, ngành địa phương đánh giá cao. Đây cũng là cơ chế mới rất quan trọng để thay đổi tư duy “chạy ngân sách, chạy dự án” và thay đổi cơ chế “xin cho".

Trước đó, tháng 10-2011, Bộ cũng hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792 thay đổi cách quản lý về đầu tư, trong đó có nội dung xem phân cấp đầu tư công. Mặc dù phân cấp đầu tư thời gian qua đã tạo sự chủ động tích cực của các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng nhiều công trình nhưng thực tế phân cấp cũng cho thấy có hiện tượng đầu tư dàn trải, lãng phí và tốn kém.

Vì vậy, ngay trong năm 2012, việc phân cấp được chấn chỉnh bằng các nguyên tắc là người ký quyết định đầu tư phải đảm bảo đủ vốn để công trình theo tiến độ; phân cấp nhưng phải quản lý thông qua hai Bộ “gác cửa” là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo các tiêu chí chặt chẽ để đảm bảo dự án có đủ vốn triển khai cũng như dự án được kiểm soát. Đây là một bước tiến lớn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Ưu tiên đầu tư cho các khu kinh tế hiệu quả

Các khu kinh tế, khu công nghiệp đang đóng góp quan trọng về giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tăng trưởng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Hiện có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế trong tổng số 283 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu đang phát triển rất mạnh mẽ và đóng góp quan trọng cho địa phương và đất nước, nhất là ở các vị trí thuận lợi như ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đều có.

Tuy vậy, ở một số vùng sâu, vùng xa, vẫn còn nhiều khu chưa phát triển đúng nhu mong đợi. Sau Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ những giải pháp tập trung tháo gỡ để nâng tỷ lệ lấp đầy theo hướng nâng cao giá trị trên mỗi một diện tích đất khu công nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiệu quả đầu tư các khu kinh tế chưa cao là do nguồn vốn đầu tư đã mỏng lại bị dàn trải. Vì vậy, Bộ đã trình Chính phủ lựa chọn từ 5- 6 khu kinh tế ven biển quan trọng, nằm ở vị trí liên vùng để tập trung đầu tư như Lạch Huyện - Đình Vũ (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Phú Quốc (Kiên Giang) hay Chu Lai - Dung Quất (Quảng Nam-Quảng Ngãi).

Trong năm 2012, ngay trong phân bổ nguồn vốn đầu tư Nhà nước cho các khu kinh tế, Bộ đã trình Chính phủ phương án dành 65% vốn cho các khu kinh tế ven biển này; 80% nguồn vốn cho 6 khu kinh tế cửa khẩu có lợi thế nhất.

Với sự đầu tư trọng điểm này, các khu kinh tế sẽ có nguồn lực quan trọng để phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế theo như mục tiêu, định hướng đã đề ra, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Kim Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư công từng bước “nhường sân” cho tư nhân