Chính sách tiền tệ là yếu tố quyết định trong kiềm chế lạm phát

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 2 ngày 30-11 và 1-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11. Nhận định về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chính sách tiền tệ là yếu tố quyết định trong kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng...

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách năm 2011, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2012.

Đánh giá những kết quả chính về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các thành viên Chính phủ cho rằng, về tiền tệ, tín dụng, ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP, góp phần tích cực kiềm chế lạm phát và từng bước giảm dần tốc độ tăng giá.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2011. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2011 tăng khoảng 34,7% so với cùng kỳ, cao gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%), ước cả năm 2011 tăng 33% so với năm 2010. Cộng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tài khóa cũng như các biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu…, chỉ số giá (CPI) đã giảm dần kể từ quý II-2011. Chỉ số CPI bình quân 11 tháng năm 2011 tăng 18,62% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP năm 2011 ước khoảng 6% là mức tăng khá cao trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phát triển ổn định, đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt, công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, xóa đói giảm nghèo được chú trọng; nhiều chính sách xã hội được triển khai tích cực, góp phần giảm bớt khó khăn và từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12-2011 và các tháng đầu năm 2012, các thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục kiên trì các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung các nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh…

Chỉ rõ lạm phát và lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng lên, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn; áp lực tỷ giá còn lớn; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút…, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng đây là những hạn chế, tồn tại rất lớn cần phải khắc phục trong năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đề xuất dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, nên đưa thêm các chỉ tiêu về an toàn giao thông, chỉ tiêu về tiết giảm chi phí quản lý… Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị, từ nay tới cuối năm phải quan tâm đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là các hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán.

Bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2012 khoảng 6%, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị, trong nhóm kiềm chế lạm phát đi đôi với chống giảm phát cần có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, có lộ trình giảm lãi suất xuống còn xấp xỉ 10% vào cuối năm 2012, đồng thời tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước vào các lĩnh vực đầu tư phát triển đô thi nói chung trong đó có thị trường bất động sản

Trước tình trạng nợ xấu ngân hàng gia tăng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quản lý thị trường; chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu nhất là vào dịp Tết Nguyên đán; chống các loại hình tội phạm liên quan đến an toàn, an ninh mạng, vấn đề bảo mật thông tin, các tài liệu mật…

Một vấn đề lớn được Chính phủ đưa ra thảo luận tại phiên họp là dự thảo 3 đề án tái cơ cấu kinh tế gồm Đề án tái cơ cấu đầu tư; Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

Dự thảo Đề án án tái cơ cấu đầu tư đã chỉ rõ định hướng tái cơ cấu đầu tư đối với từng nguồn vốn cụ thể như, nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn đầu tư có tính chất ngân sách nhà nước; nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước; nguồn vốn ODA; nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Các giải pháp đề ra trong Đề án gồm cả giải pháp trước mắt và các giải pháp tái cơ cấu đầu tư trong trung và dài hạn.

Dự thảo Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã nêu rõ sự cần thiết của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và đề ra các nhóm giải pháp thực hiện như Chính phủ xây dựng, ban hành tiêu chí phân loại, danh mục doanh nghiệp nhà nước để làm căn cứ xác định cơ cấu sở hữu cho từng doanh nghiệp; thực hiện nhất quán, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng Tập đoàn kinh tế nhà nước theo mô hình chuyên sâu, đơn lĩnh vực phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị.

Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng phân tích rõ thực trạng về hoạt động ngân hàng; mục tiêu, định hướng cơ cấu lại các tổ chức tín dung theo hướng triệt để và toàn diện; đề ra các giải pháp cụ thể trong thực hiện…

Thảo luận các Đề án trên, các thành viên Chính phủ bày tỏ cơ bản đồng tình với nội dung mà các đề án nêu; nhấn mạnh sự cần thiết tập tập trung các nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế; cho rằng đây là những nội dung lớn có mối liên kết chặt chẽ mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện một các toàn diện, đồng bộ ngày từ năm 2012 nhằm thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh…

Nhấn mạnh sự cần thiết của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ý kiến các thành viên Chính phủ đề xuất các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài nhà nước; tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; tăng cường hơn nữa tính kỷ luật tài chính và thực thi pháp luật trong doanh nghiệp nhà nước.

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chính sách tiền tệ là yếu tố quyết định trong kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng, do vậy Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải tính toán hạ giảm dần mặt bằng lãi suất, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo cung ứng các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng tăng cường kiểm soát giá, giữ giá cả ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá...

Thiện Thuật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tiền tệ là yếu tố quyết định trong kiềm chế lạm phát