Cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những giải pháp được đề ra tại Hội nghị về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố các tỉnh khu vực phía Bắc do Thanh tra Chính phủ chủ trì, tổ chức ngày 20-3, tại Vĩnh Phúc.

Khiếu nại, tố cáo tăng; vụ việc ngày càng phức tạp

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ: từ năm 2008 đến năm 2011, tổng số vụ việc phát sinh hàng năm có xu hướng tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp. Tình hình công dân khiếu nại, tố cáo (KN,TC) vượt cấp lên Trung ương diễn ra khá nhiều. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai (chiếm hơn 70% tổng số vụ việc), trong đó tập trung vào việc đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất với biểu hiện cán bộ thực thi công vụ mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài chính ngân sách Nhà nước; trù dập người khiếu kiện, bao che cho cán bộ dưới quyền; cố ý làm sai lệch hồ sơ, áp dụng pháp luật không đúng gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Chỉ tính trong 4 năm (2008 - 2011), các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã tiếp 370.080 lượt người, trong đó có 4.072 lượt đoàn đông người. Tiếp nhận để giải quyết 25.213/62.410 đơn khiếu nại; 11.455/33.570 đơn tố cáo nhận được. Một số địa phương có số lượt tiếp nhiều là: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng... trung bình mỗi năm tiếp trên 3.000 lượt.

Riêng Hà Nội mỗi năm tiếp trên 20.000 lượt. Các Bộ, ngành Trung ương tiếp 70.912 lượt người, trong đó có 390 đoàn đông người; tiếp nhận 173.645 đơn thư các loại, trong đó 24.972 đơn khiếu nại; 18.769 đơn tố cáo. Riêng Thanh tra Chính phủ trung bình mỗi năm tiếp nhận, xử lý gần 20.000 đơn thư. Trụ sở tiếp công dân của Trung ương mỗi năm tiếp trên dưới 3.000 lượt người đến từ 25 tỉnh, thành phố phía Bắc, chủ yếu là công dân ở Hà Nội và các địa phương lân cận.

Tuy nhiên số vụ việc phát sinh thành “điểm nóng” ở các tỉnh, thành phố phía Bắc có xu hướng tăng, tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, có lúc có nơi đặc biệt phức tạp. Nhiều đoàn đông người có tổ chức, có người cầm đầu; có đoàn lợi dụng, lôi kéo các đối tượng chính sách, người già và trẻ em nhiều lần kéo lên Trụ sở tiếp công dân của Trung ương hoặc tập trung trước cổng trụ sở làm việc của một số cơ quan Nhà nước để gây rối. Tình hình KN,TC vượt cấp lên Trung ương gia tăng (hơn 50% tổng số vụ việc chưa được giải quyết hoặc chưa giải quyết hết thẩm quyền ở địa phương nhưng công dân đã kéo lên Trung ương). Tình trạng đơn thư gửi tràn lan còn diễn ra phổ biến, đáng chú ý là có một số vụ việc có dấu hiệu can thiệp từ bên ngoài làm cho tình hình thêm phức tạp.

Cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trong 4 năm công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết KN,TC của chính quyền ở nhiều địa phương đã có nhiều cố gắng. Mối quan hệ phối hợp giữa Trụ sở tiếp công dân của Trung ương với một số địa phương ngày càng hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng chuyển vòng vo hoặc sai sót trong quá trình xử lý đơn thư.

Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn chưa tổ chức tốt công tác tiếp công dân, chưa gắn tiếp dân với việc giải quyết KN,TC, nhất là ở cấp quận, huyện, Sở ngành. Nhiều vụ KN,TC giải quyết không đúng chính sách, pháp luật hoặc chưa xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế. Một số vụ việc người có thẩm quyền né tránh, đùn đẩy làm cho việc giải quyết lòng vòng, kéo dài. Cá biệt có cơ quan không thực hiện đúng trách nhiệm và thẩm quyền được giao, có hành vi bao che và cố ý làm sai. Một số vụ việc mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ, ngành Trung ương nhưng chính quyền địa phương thực hiện chưa triệt để, có nơi không nghiêm túc dẫn đến người dân tiếp tục khiếu kiện gay gắt.

Củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những giải pháp được đề ra tại Hội nghị. Bên cạnh đó Hội nghị nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh KN, TC; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, những vụ việc tiêu cực, tham nhũng về đất đai của cán bộ, công chức.

Chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất; thực hiện công khai, dân chủ, công bằng trong đền bù, giải phóng mặt bằng; đặc biệt việc quy hoạch và xây dựng nơi tái định cư, tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi; xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư để không xảy ra tình trạng KN, TC.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng tại Thông báo kết luận số 130-TB/TW ngày 10-1-2008 của Bộ Chính trị; trong đó cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết KN,TC, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng; vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, quyết định giải quyết KN,TC của các cấp chính quyền.

Giải quyết kịp thời, dứt điểm KN,TC ngay từ cơ sở; tập trung rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức do thiếu trách nhiệm đã ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính trái pháp luật - đó là một trong những biện pháp quan trọng để hạn chế tình trạng KN, TC phức tạp, kéo dài nhằm ổn định tình hình ANTT.

Quang Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân