Cần có người phát ngôn chuyên nghiệp

28/06/2012 16:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong hoạt động của người phát ngôn ở các Bộ, ngành, địa phương; nâng cao chất lượng thông tin, các cuộc họp báo; việc cung cấp thông tin cho báo chí cần nhanh chóng, kịp thời, chính xác, tránh nói một chiều...

Đó là ý kiến chung của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 77/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tổ chức mới đây tại Đà nẵng. Theo các đại biểu thì cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số quy định trong Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, theo hướng cụ thể hóa các chế tài, có các chế độ dành riêng cho đội ngũ những người phát ngôn...

Nhiều kết quả tích cực…

Theo đánh giá của các Bộ, ngành Trung ương, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là rất cần thiết để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân và của báo chí, bảo đảm sự công khai, minh bạch hoá thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin chính xác của người dân về mọi mặt đời sống xã hội.

Sau 5 năm thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và 4 năm thực hiện Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí, việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, ngành, địa phương cơ bản đi vào nề nếp, kịp thời, rõ ràng, góp phần cho thông tin báo chí đạt hiệu quả cao hơn.

Việc duy trì và thực hiện tốt Quy chế đã tạo cơ hội cho báo chí, công chúng tiếp cận đầy đủ hơn những nguồn thông tin chính thống, hữu ích, tin cậy, chính xác, nhất là đối với những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước; hạn chế tối đa những thông tin thiếu tính định hướng dư luận và thiếu chuẩn xác, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.

Cần có người phát ngôn chuyên nghiệp

Qua báo chí, người dân được cung cấp thông tin thường xuyên về tình hình hoạt động, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương; tình hình tổng quan về đời sống kinh tế xã hội để thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật. Việc cung cấp thông tin cho báo chí đã đẩy mạnh công tác công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương, góp phần không nhỏ trong công tác cải cách hành chính mà Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện...

Người phát ngôn đã thực sự phát huy vai trò, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ hoặc khi có sự kiện đột xuất, bất thường. Người phát ngôn của nhiều Bộ, ngành, địa phương có kỹ năng, nghiệp vụ tổng hợp thông tin báo chí, chủ động cung cấp các thông tin có giá trị, kịp thời, nhanh chóng, là cầu nối giữa các cơ quan hành chính với cơ quan báo chí và nhân dân.

Những vấn đề được báo chí phát hiện, những thông tin trái chiều được báo chí nêu liên quan đến ngành, lĩnh vực của các đơn vị địa phương đều được làm rõ thông qua các hình thức trả lời bằng văn bản, họp báo, hội nghị giao ban báo chí… Những vấn đề, thông tin báo chí nêu thiếu khách quan, sai sự thật đều được đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính và xử lý nghiêm theo quy định.

Cần khắc phục ngay những bất cập

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, công tác thực hiện Quy chế cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện quy chế không đồng đều giữa các cơ quan đơn vị; người phát ngôn đều kiêm nhiệm, lại không có bộ máy giúp việc nên nhiều khi hiệu quả công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa cao. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn hình thức...

Nguyên nhân được chỉ ra, đó là bên cạnh các tồn tại, hạn chế xuất phát từ phía người phát ngôn, vẫn có trường hợp một số nhà báo chưa chia sẻ với khó khăn của người phát ngôn. Một số nhà báo khi được cung cấp thông tin lại đưa không trung thực, khách quan mà bớt xén, sử dụng thông tin theo chủ đích không khách quan, làm sai lệch thông tin…

Trong thông tin một số lĩnh vực nhạy cảm có diễn biến nhanh, phức tạp và có tác động sâu rộng trong xã hội như chính sách tiền tệ, công tác đối ngoại... cần có sự cân nhắc, thận trọng nên một số trường hợp chưa đáp ứng được tính thời sự của thông tin... Nhiều địa phương có tâm lý ngại tiếp xúc với báo chí. Đặc biệt là những vụ việc tiêu cực, vi phạm, việc tiếp cận của báo chí càng khó khăn hơn, các cơ quan liên quan thường tìm cách né tránh, khất lần…

Để tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tại Hội nghị, nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất đã được đưa ra dành cho cả 3 nhóm có liên quan đó là: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; với cơ quan báo chí và với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí...

Hội nghị cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hơn Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa các Bộ, ngành; đồng thời, cần rà soát lại, sớm chấn chỉnh những điểm còn hạn chế, bất hợp lý, thiếu sót. Ðặc biệt, cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số quy định trong Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, theo hướng cụ thể hóa các chế tài, các chế độ dành riêng cho đội ngũ những người phát ngôn và rút ngắn thời gian cung cấp thông tin cho báo chí, chậm nhất là 1 ngày (thay vì 2 ngày như quy định hiện hành), nhằm kịp thời định hướng, hoặc cảnh báo về mặt thông tin trong xã hội.

Đặc biệt để nâng cao hiệu quả công tác này, các đại biểu kiến nghị cần quy định có người phát ngôn chuyên nghiệp ở các cơ quan hành chính nhà nước, hạn chế tình trạng kiêm nhiệm, gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả cung cấp thông tin. Mỗi cơ quan hành chính nên thiết lập đường dây “nóng” để trong những trường hợp khẩn cấp, báo chí có thể liên lạc trực tiếp với người phát ngôn để thu thập thông tin được kịp thời, chính xác, tránh trường hợp phóng viên thu thập thông tin qua đường vòng, lãng phí thời gian và không đảm bảo tính thời sự của báo chí.

Tại các Bộ, ngành: Qua 5 năm thực hiện đến nay đã có 30 Bộ, ngành và 63 địa phương có người phát ngôn chính thức, trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định tại Quy chế. Trong số 30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ cử 3 người phát ngôn. Trong số 32 người phát ngôn, có 10/32 người phát ngôn là cấp phó của người đứng đầu (chiếm 31,2%); 15/32 người là chánh văn phòng các cơ quan (chiếm 46,9%); 1/32 người là người đứng đầu cơ quan (chiếm 3,1%); 6/32 người là vụ trưởng, cục trưởng liên quan (chiếm 18,8%). Riêng Bộ Y tế, ở từng lĩnh vực có người phát ngôn riêng nhưng phát ngôn chung là chánh văn phòng.

Hoài Nam


                                                               
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có người phát ngôn chuyên nghiệp