Các đại biểu Hà Nội đề xuất đổi giờ học theo mùa

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp sáng nay 8-12, HĐND Tp. Hà Nội sẽ xem xét tờ trình của UBND thành phố về điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh và nội dung này được đưa vào Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2012 của thành phố để báo cáo Thủ tướng xem xét.

Hôm qua, HĐND Tp. Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 3, xem xét nhiều vấn đề quan trọng của thành phố, trong đó có việc thảo luận tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, phương hướng nhiệm vụ năm 2012; xem xét dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2012; công tác xét xử năm 2011, nhiệm vụ năm 2012; công tác kiểm sát năm 2011, nhiệm vụ năm 2012; xem xét tờ trình của UBND thành phố về việc điều chỉnh giờ học, giờ làm nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Thảo luận tại tổ về phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, các đại biểu HĐND thành phố cơ bản thống nhất với phương án của UBND với mục đích đảm bảo giao thông thông suốt và hạn chế ùn tắc, góp phần giảm và giãn áp lực về người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường khu vực nội thành trong các khung giờ cao điểm.

Ùn tắc giao thông hiện vẫn đang diễn ra thường ngày trên các tuyến phố Hà Nội. (Ảnh: Đạt Lê).


Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về những quy định cụ thể và cho rằng cần thay đổi theo mùa cho hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND thành phố cho biết, phần lớn học sinh phổ thông đều tự đi học, mà theo đồng hồ sinh học thì nếu đi học quá sớm vào mùa Đông vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa học khó vào, nên cần điều chỉnh giờ học theo mùa.

Đại biểu Nguyễn Đình Dương (tổ Từ Liêm), Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, phạm vi điều chỉnh chưa được chuẩn xác. “Học sinh THPT đi học vào lúc 6 giờ 30 thì sớm quá. Bởi vì nếu muốn có thời gian ăn sáng thì các em phải dậy từ 5 giờ; còn nếu không dậy vào giờ đó thì các em lại phải nhịn đói đi học,” ông Dương lo lắng.

Đại biểu Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đưa ra dẫn chứng, trường cháu tôi học cách nhà 20km. Nếu vào lớp lúc 6 giờ 30 thì cháu bảo phải dậy từ 4 giờ 30. Còn nếu tan học sau 7 giờ tối thì mãi đến 9 giờ tối cháu mới về đến nhà. Vì thế, theo ông việc thay đổi giờ học, giờ làm chỉ là giải pháp tạm thời, mà thành phố phải có giải pháp hữu hiệu như tăng cường đầu tư hạ tầng, tổ chức lại giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông...

Theo tờ trình của UBND thành phố về điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn thành phố, đối tượng điều chỉnh được chia làm 3 nhóm.

Nhóm 1 gồm sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và học sinh các trường THPT sẽ bắt đầu giờ học từ 6 giờ 30 và kết thúc sau 19 giờ.

Nhóm 2 gồm học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS, thời gian bắt đầu từ 7 giờ 30, kết thúc vào 17 giờ 30; cán bộ, công chức (cả Trung ương và thành phố) bắt đầu làm việc từ 8 giờ, kết thúc vào 17 giờ.

Nhóm 3 gồm các trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu từ 9 giờ, kết thúc sau 19 giờ. Thời gian làm việc của các cơ quan, đơn vị quân đội, công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp theo ca giữ nguyên, không thay đổi.

Việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập chỉ thực hiện trong 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì; đồng thời thống nhất kiến nghị Chính phủ cho thực hiện từ ngày 1-1-2012.

Thanh Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các đại biểu Hà Nội đề xuất đổi giờ học theo mùa