95% các cuộc đình công diễn ra do tiền lương và không đúng luật

25/09/2012 22:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 24-9, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã tổ chức hội nghị giới thiệu Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn.

Hội nghị đã đề cập đến những điểm mới của hai luật này, trong đó có nội dung quy định cả về lao động giúp việc gia đình, lao động làm việc không trọn thời gian và lần đầu tiên điều chỉnh các quy định về cho thuê lại lao động.

Ông Bùi Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 1-5-2013 và Luật Công đoàn sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2013 đã kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tế thị trường lao động và quan hệ lao động hiện nay. Đồng thời, Bộ luật Lao động năm 2012 là một bước tiến mới trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, là công cụ quan trọng nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật lao động, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động. Còn Luật Công đoàn sửa đổi đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của luật cũ, góp phần phát triển quan hệ lao động lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những thay đổi chính ở hai luật này là Chính phủ phải đóng vai trò chủ động trong việc hỗ trợ quá trình thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và Công đoàn với tư cách là tổ chức đại diện thật sự cho người lao động. Khi quá trình thương lượng tập thể diễn ra, các bất đồng được giải quyết theo quy định của pháp luật, và số các cuộc đình công sẽ giảm dần. Năm 2011, cả nước có 987 cuộc đình công và riêng trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có 331 cuộc.

Điểm mới của Bộ luật Lao động là thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia để xác định mức lương tối thiểu, ghi nhận việc thuê lại lao động như một hình thức lao động mới và bảo vệ lao động bán thời gian, lao động gia đình. Bộ luật Lao động sửa đổi đồng thời mở ra khả năng chính thức ghi nhận các mối quan hệ lao động thực tế giữa chủ lao động và người lao động bất kể hai bên có ký hợp đồng lao động hay không. Việc sửa đổi luật cũng đang đặt ra hy vọng giảm thiểu các hình thức cưỡng bức lao động, lao động trẻ em và đưa việc bảo vệ lao động chưa thành niên gần hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Đáng chú ý là lao động nữ nghỉ sinh con mà đến ngày 1-5-2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ thai sản thì được nghỉ theo chế độ mới là 6 tháng và có thể đi làm sớm sau khi nghỉ được ít nhất là 4 tháng. Người lao động được nghỉ thêm 1 ngày Tết âm lịch, được nghỉ không hưởng lương 1 ngày khi ông bà nội ngoại, anh chị em ruột chết hoặc bố hoặc mẹ, anh chị em ruột kết hôn. Về kỷ luật lao động, bỏ hình thức kỷ luật chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời gian tối đa là 6 tháng.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, việc sửa đổi luật sẽ giúp khắc phục nhiều bất cập thực tế như nhiều thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động với doanh nghiệp ghi là: “Theo quy định của pháp luật” mà không ghi cụ thể. Đồng thời, Tòa án sẽ thực hiện việc tuyên bố thỏa ước vô hiệu thay cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động thực hiện việc này như trước đây. Hiện, hơn 95% số cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật và hơn 95% diễn ra do tiền lương. Luật sửa đổi vẫn không cho phép đình công về quyền và vẫn giao Công đoàn là chủ thể duy nhất để tổ chức đình công.

Dự kiến, sẽ có 13 Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động được giao cho các Bộ LĐ-TB&XH, Tư pháp, Nội vụ và một số bộ ngành liên quan soạn thảo.

M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
95% các cuộc đình công diễn ra do tiền lương và không đúng luật