70% đường thành phố chưa đủ điều kiện phân làn

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau gần một tháng triển khai phân làn giao thông, người dân dần nâng cao ý thức, đi đúng phần đường. Tuy nhiên, tình trạng giao thông lộn xộn, ùn tắc vẫn tái diễn tại các tuyến phố trên, thậm chí rất trầm trọng vào giờ cao điểm.

Trong buổi họp giao ban lãnh đạo Tp.Hà Nội sáng 14-10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã thông qua báo cáo về công tác tổ chức thực hiện phân làn tách dòng phương tiện trên 5 tuyến phố: Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Giải Phóng, Xã Đàn, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt từ ngày 20-9.

Lực lượng Thanh tra giao thông đang tiến hành hướng dẫn làn đường.

Sau gần một tháng triển khai phân làn, tách dòng phương tiện, bước đầu đã tạo được sự đồng thuận từ các đồng chí lãnh đạo đến người dân, coi đây là sự đột phá tạo ý thức văn hóa giao thông cho người dân Thủ đô khi tham gia giao thông. Từ đó nâng cao ý thức người tham gia giao thông đi đúng làn đường quy định, tạo thói quen văn minh đô thị trên các tuyến đường Thủ đô.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn và hạn chế cần phải khắc phục, bởi đây là những tuyến có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, nhiều thành phần tham gia, thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Các tuyến phố chọn phân làn phương tiện hiện nay, khoảng cách giữa các nút giao thông ngắn, mặt cắt trên toàn tuyến không đồng bộ (như tuyến Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Đại Cồ Việt). Trong 5 tuyến phố vừa phân làn có tới 4 tuyến không có làn đường dành riêng cho xe buýt. Khi xe ra vào đón trả khách gây ảnh hưởng tới khả năng lưu thông với các phương tiện còn lại.

Tại khu vực đầu cầu vượt ngã tư Vọng, cột phân làn và dải phân cách được đặt khá gần chân cầu, gây khó khăn cho cả ôtô và xe máy khi vừa lao xuống dốc.

Tại các ngã tư giao cắt từ các phố Thái Phiên, Lê Đại Hành, Đoàn Trần Nghiệp, Tô Hiến Thành, Trần Nhân Tông... rẽ trái ra trục tuyến Phố Huế - Hàng Bài, việc dựng các dải phân cách cứng quá ngắn (chỉ khoảng 10m) ngay đầu các điểm giao cắt, cùng với lực lượng Thanh tra giao thông chốt trực chỉ dẫn không thường xuyên tỏ ra không hiệu quả trên suốt trục tuyến này.

Mặt khác, số lượng cơ quan, trường học, cửa hàng, nhà dân…hai bên đường lớn. Các phương tiện liên tục có nhu cầu tách, nhập làn.

Trên các tuyến đường này, các điểm giao cắt ngã ba, ngã tư trên hai tuyến phố đều có dải phân cách cứng, người tham gia giao thông sơ ý không quan sát sẽ dễ đâm vào gây nguy hiểm. Theo thống kê, người điều khiển các phương tiện giao thông do thiếu quan sát (đặc biệt là các xe ô tô tải chạy ban đêm) đã va quyệt làm nghiêng đổ, gãy phải trồng lại 138 cột biển báo…Trong đó, 4 Thanh tra giao thông làm công tác hướng dẫn tách làn cũng bị xe máy va quệt. Số vụ tai nạn do người dân đâm phải biển báo cũng đang có xu hướng gia tăng. Chính một số người làm công tác điều hành giao thông cũng cho rằng, cách thức cắm biển hiện nay là chưa hợp lý.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc cắm các biển báo cứng là biện pháp cuối cùng, do các giải pháp phân làn bằng vạch vôi trước đây không phát huy tác dụng. Ông cũng thừa nhận đây là một cách "cưỡng bức" để người tham gia giao thông quen dần.

Theo ý kiến của nhiều người dân, tại Việt Nam, tỷ lệ xe máy cao hơn ôtô rất nhiều nhưng phần đường dành cho xe máy lại không được kẻ rộng tương ứng dẫn tới tình trạng làn dành cho xe máy thì quá đông, làn cho ôtô thì quá vắng nên người đi xe máy sẽ lấn qua để lưu thông.

Trong cuộc làm việc giữa UBND Tp. Hà Nội và Sở GTVT mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, việc phân làn, phân tuyến còn thiếu sự đồng bộ. Mặc dù phân rõ hai làn đường nhưng chưa chỉ rõ đối với các trường hợp rẽ phải, rẽ trái, đường dành cho xe buýt, các điểm dừng, đỗ xe… Cùng với đó là việc chưa triệt để thực hiện việc thống nhất kẻ vạch phân đường (vạch đứt hay vạch liền), rồi cột báo hiệu, dải phân cách, sơn phản quang đặt như thế nào cho hợp lý. Ông Thảo yêu cầu Sở cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân các vụ tai nạn, vì không loại trừ vị trí cắm biển chưa phù hợp.

Thực tế hiện nay, nhiều tuyến đường vẫn chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc tách dòng phương tiện. Theo Sở GTVT, tiêu chí lựa chọn các tuyến đường phân làn giao thông chủ yếu tập trung vào các tuyến phố có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông và ý thức của người dân tương đối cao; những tuyến đường phố có mặt cắt ngang mỗi chiều có đủ chiều rộng từ tối thiểu 10m trở lên; tuyến phố có các khoảng cách giữa các nút giao thông tối thiểu trên 300m...

Hiện tại thành phố có 8.489km đường giao thông, đường trong đô thị ngắn và hẹp mặt đường dưới 11m chiếm 70%. Như vậy, xét theo tiêu chí mà Sở đưa ra để thực hiện phân làn thì có 70% tuyến đường có mặt cắt ngang mỗi chiều không đủ tối thiểu (trên10m) để thực hiện phân làn. Ông Tân cho biết, hiện Hà Nội chỉ có hai tuyến là Pháp Vân - Cầu Giẽ và Đại lộ Thăng Long là đủ tiêu chuẩn để phân làn.

Lan Phương - Việt Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
70% đường thành phố chưa đủ điều kiện phân làn