Thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng cấp tỉnh: Cần mạnh dạn, đổi mới mạnh mẽ hơn

Ngọc Mai| 19/09/2018 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nêu ý kiến về Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, đã đặt vấn đề làm thí điểm thì có thể nên mạnh dạn hơn nữa.

Thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng cấp tỉnh: Cần mạnh dạn, đổi mới mạnh mẽ hơn

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình

Tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Theo Tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa ra 3 phương án: Phương án 1 với tên gọi là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án 2 với tên gọi là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án 3 với tên gọi là Văn phòng chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Sau khi phân tích ưu điểm và hạn chế của từng phương án, trên cơ sở tham gia ý kiến đóng góp của các đại biểu tại 3 Hội nghị, đa số các đại biểu lựa chọn phương án 1, do đó, Văn phòng Quốc hội nhất trí đề xuất tên gọi như phương án 1 là: “Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” để bảo đảm thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của các chủ thể. Tên gọi mặc dù có hơi dài nhưng có thể khắc phục bằng cách viết tắt khi trình bày văn bản hoặc khi khắc dấu.

Trình UBTVQH ban hành Nghị quyết thí điểm hợp nhất ba Văn phòng

Trình bày báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Đề án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Đề án đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.

Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý để việc thí điểm sớm được triển khai.

Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật tán thành với tên gọi của văn phòng chung; nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng chung; địa vị pháp lý của Chánh Văn phòng… Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không cần thiết phải quy định quá cụ thể về cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung mà chỉ nên quy định số lượng tối đa của các đơn vị trực thuộc có thể là 10 -11 phòng và giao cho các địa phương chủ động quyết định căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của địa phương với yêu cầu là phải thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả tất cả các nhiệm vụ mà 3 Văn phòng đang đảm nhiệm hiện nay; không quy định nội dung 03 Phó Chánh Văn phòng đồng thời là 03 Thư ký như dự thảo.

Về thời gian thực hiện thí điểm, đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật đề nghị quy định thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 01/01/2019 cho tới khi các luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành để bảo đảm quá trình thí điểm không bị ảnh hưởng bởi tiến độ sửa đổi các luật có liên quan.

Nhất trí với danh sách 10 tỉnh, thành phố dự kiến tiến hành thí điểm như Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng việc lựa chọn các địa phương này bảo đảm được tính đại diện về vùng miền cũng như các đặc điểm về nông thôn, đô thị. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định để tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố còn lại chủ động tham gia thực hiện thí điểm.

Có thể mạnh dạn hơn nữa

Thảo luận tại phiên họp Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc hợp nhất 3 văn phòng sẽ đụng ngay tới con người nên tâm tư là khó tránh khỏi. Về hiệu quả kinh tế, tiết kiệm ngân sách, giảm biên chế khi thực hiện hợp nhất có thể nhìn thấy ngay nhưng tâm lý “tách ra thì phấn khởi, nhập vào thì tâm tư” là có. Điều này có thể ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của văn phòng chung. Vì thế, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị, công tác tư tưởng phải đi trước, giải quyết tâm tư cho cán bộ văn phòng, nhất là các đồng chí lãnh đạo của các văn phòng hiện nay.

Không chỉ tâm tư mà theo các Ủy viên UBTVQH, việc chọn được người có thể đảm nhiệm vị trí Chánh Văn phòng chung để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, “đúng vai” cũng là rất khó, thậm chí có khi còn là khó nhất khi thực hiện Đề án. Chúng ta hay quan tâm đến việc sáp nhập cơ quan này, đơn vị kia với nhau thì phải tránh việc sáp nhập cơ học. Nhưng cơ học hay không thì vẫn phải là con người, hợp nhất như vậy thì vấn đề quan tâm là ai sẽ là người đứng đầu văn phòng chung này? Nêu thực tế này, một số Ủy viên UBTVQH cũng cho rằng, đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm, thể hiện rõ hơn để tránh lúng túng trong quá trình thực hiện.

Ở góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, đã đặt vấn đề làm thí điểm thì có thể nên mạnh dạn hơn nữa. Cụ thể là, Đề án nên tăng tính chủ động cho các địa phương thực hiện thí điểm trong việc tổ chức các phòng, ban chuyên môn của văn phòng hợp nhất. Hiện nay, Đề án đang đưa ra hai phương án về số lượng phòng. Phương án 1 thành lập không quá 11 phòng và đơn vị theo đối tượng phục vụ, trong đó có 10 phòng được quy định cụ thể và 1 phòng đặc thù do cấp có thẩm quyền thành lập xem xét, quyết định theo yêu cầu của địa phương. Phương án 2 thành lập 7 phòng và đơn vị theo nội dung, tính chất công việc.

Nếu theo phương án 1 với tên gọi cụ thể các phòng như Đề án áp dụng vào Quảng Ninh thì sẽ có điểm bất hợp lý. Vì hiện nay, Quảng Ninh đã có Trung tâm Phục vụ hành chính công. Tức là, một văn phòng sẽ có đến 2 trung tâm, một là Trung tâm Thông tin và cải cách thủ tục hành chính, hai là Trung tâm Phục vụ hành chính công. Trong khi đó, nếu Đề án trao quyền chủ động cho địa phương thì địa phương hoàn toàn có thể hợp nhất 2 trung tâm này thành một. Từ phân tích này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khuyến nghị, Đề án chỉ nên quy định số lượng đơn vị cấp phòng tối đa thuộc văn phòng chung còn cụ thể, tùy theo từng địa phương có thể thành lập 5 phòng, 7 phòng hoặc 10 phòng sẽ hợp lý và hiệu quả hơn. “Trên cơ sở này, chúng ta sẽ tổng kết đúc rút được những mô hình hay”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định.

Cùng quan điểm phải đổi mới mạnh mẽ hơn trong việc xác định số lượng các phòng, đơn vị thuộc văn phòng chung, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ, “đã quyết tâm làm thì đừng làm nửa vời”. Chúng ta đã có đề án xác định vị trí việc làm nên số lượng các phòng, đơn vị của văn phòng chung phải trên cơ sở nội dung, tính chất công việc, vị trí việc làm. “Thực tế đã cho thấy không phải cứ nhiều phòng thì hiệu quả công việc mới tốt”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại chỉ rõ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các tiêu chí lựa chọn, số lượng và các địa phương đề nghị thí điểm như trong Đề án; đề nghị nghiên cứu tiếp thu, bổ sung ý kiến của Ủy ban Pháp luật, để tạo sự đồng thuận, linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Về thời gian thực hiện thí điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ mục đích của việc thí điểm là để chuẩn bị cho việc thực hiện chủ trương hợp nhất ba Văn phòng thông qua việc sửa đổi, bổ sung các Luật về tổ chức. Sau thời gian thí điểm phải có tổng kết, đánh giá để từ đó rút kinh nghiệm cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật. Nếu đã thí điểm thì phải có thời gian cụ thể. Vì thế, phương án của Văn phòng Quốc hội là hợp lý.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng cấp tỉnh: Cần mạnh dạn, đổi mới mạnh mẽ hơn