Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Xuân Tùng/TTXVN| 29/09/2016 07:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 28/9, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ ba Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã dành ngày làm việc cuối cùng của Ủy ban thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi được bố cục gồm 11 Chương với 126 Điều. Theo đánh giá của các đại biểu, quá trình soạn thảo dự thảo Luật nhìn chung đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; phản ánh những hạn chế, bất cập qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và đạt được sự đồng thuận của các cơ quan có liên quan. Dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, trong đó có những nội dung quan trọng về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng...

Xây dựng Luật PCTN đồng bộ, thống nhất với quy định trong các luật liên quan

Tại phiên họp, nhiều đại biểu khuyến nghị việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi phải đồng bộ, thống nhất với quy định trong các đạo luật liên quan, đồng thời đảm bảo nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Đặc biệt trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng có liên quan đến phòng, chống tham nhũng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự… Các đạo luật này đã đưa ra nhiều quy định có liên quan như các quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đấu thầu, quản lý doanh nghiệp nhà nước; các quy định về tội phạm tham nhũng và các tội phạm về chức vụ...

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, nhìn chung nhiều quy định của dự thảo Luật đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cũng có nhiều quy định còn trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác, cụ thể như: Điều 3 dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi quy định về 12 hành vi tham nhũng, trong khi Bộ luật hình sự chỉ quy định 7 hành vi là tội tham nhũng, còn các hành vi khác lại thuộc chương các tội phạm về chức vụ... Do đó, ông Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sang khu vực ngoài Nhà nước

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi có những quy định về phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp...

Như đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, dự thảo Luật quy định áp dụng bắt buộc một số chế định như: thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư. Đồng thời, nhóm chủ thể này tự tổ chức việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và đưa ra các hình thức xử lý phù hợp khi có vi phạm, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền.

Nhiều đại biểu cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng là cần thiết, căn cứ trên thực trạng phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu quản lý đối với khu vực ngoài nhà nước.

Theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, khuyến cáo của quốc tế đối với Việt Nam là cần chống tham nhũng cả ở khu vực tư nhân. Hiện nay tham nhũng có sự cấu kết, móc ngoặc giữa khu vực công và khu vực tư. Đó là những hiện tượng "sân sau", "chủ nghĩa thân hữu"... Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi phải chú ý đến quan hệ công - tư trong công tác chống tham nhũng.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, việc tiếp cận phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước theo dự thảo Luật là chưa triệt để, chưa cần đề cập đến phòng, chống tham nhũng ngoài khu vực nhà nước. Vì hiện nay công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước còn chưa tốt nên Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần tập trung giải quyết vấn đề này, hiện chưa cần mở rộng thêm đối tượng khu vực ngoài nhà nước.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)