Thấm nhuần tư tưởng Bác để xứng đáng là người làm công tác tư pháp

Thu Vân| 13/09/2017 07:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật vẫn còn nguyên những giá trị mang tính thời sự và thời đại, đặc biệt trong lúc Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành đổi mới, trong đó có cải cách tư pháp.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nền tư pháp nhân dân, cần coi Tòa án là khâu trung tâm của hệ thống tư pháp để tiến hành cải cách; đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp vững vàng về chính trị, tư tưởng, tốt giỏi về chuyên môn nghiệp vụ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Tự hào với sứ mệnh Bác giao

Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có khát vọng xây dựng một nhà nước kiểu mới. Sau cách mạng tháng Tám 1945, trên cơ sở nhận thức trước đây về một nhà nước “Phải có Thần linh pháp quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quyền lực của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải thuộc về nhân dân, lợi ích phải vì dân. Đó là một nhà nước dân chủ - dân là chủ và dân làm chủ. Đồng thời, nhà nước đó phải vận hành và quản lý bằng pháp luật, kết hợp chặt chẽ với giáo dục đạo đức... Đó là cơ sở tư tưởng đặt nền móng hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền, về công tác tư pháp.

Nội dung tư tưởng “Hồ Chí Minh với công tác tư pháp” bằng cả chủ trương, những lời nói và hành động cụ thể đã thể hiện một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, riêng với cán bộ Tư pháp, cán bộ Tòa án, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những tiêu chí cụ thể nhằm làm rõ tư cách người làm công tác xét xử, công tác tư pháp. Đó là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Đây là ý trong thư gửi đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 7 tại Việt Bắc năm 1948. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”. Với cách nói “tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” là phẩm chất bắt buộc, đòi hỏi đương nhiên phải có trong mỗi cán bộ tư pháp, mà không những thế còn phải nêu cao tấm gương thực hiện những tiêu chí đó cho nhân dân noi theo nữa. Điều đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc đòi hỏi ở người cán bộ Tư pháp có phẩm chất cao đến thế nào.

Thấm nhuần tư tưởng Bác để xứng đáng là người làm công tác tư pháp

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ, không chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án, phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. Nếu người cán bộ Tòa án chỉ đóng khung trong Tòa án, không hiểu cuộc sống của nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của dân thì xử sao thấu tình đạt lý được. Dẫu pháp luật có cố gắng bao nhiêu cũng khó bao hàm được hết những gì phát sinh trong cuộc sống của nhân dân. Dẫu kiến thức nhà trường đào tạo đến đâu cũng không có đủ kiến thức của nhân dân, mà tự học là một quá trình liên tục. Học từ sách vở, từ nhà trường và học từ nhân dân.

Phát triển đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn về công tác tư pháp, trong suốt chiều dài 72 năm hình thành và phát triển, hệ thống TAND đã không ngừng trưởng thành lớn mạnh. Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 có nhiều sửa đổi quan trọng về thẩm quyền của TAND. Trong những năm qua, hệ thống Toà án đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, công tác xây dựng pháp luật và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật có những chuyển biến đột phá; công tác phát triển án lệ được đẩy mạnh; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đổc thẩm, tái thẩm; tăng cường công tác kiểm tra các mặt hoạt động của Tòa án cấp dưới… Các đơn vị chức năng cũng chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp xem xét, giải quyết kịp thời các vụ án oan, sai; công tác thanh tra và kiểm tra nghiệp vụ được đẩy mạnh; công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được triển khai nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ tiếp tục được đổi mới.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực công tác khác như: thực hiện cải cách tư pháp, thi đua - khen thưởng, hợp tác quốc tế, thống kê tổng hợp, thông tin tuyên truyền và công tác văn phòng cũng có nhiều tiến bộ. Việc triển khai thực hiện kịp thời các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, từ đó xây dựng cơ quan vững mạnh, phát triển và góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chung của hệ thống TAND.

Đặc biệt, qua việc khai trương Trang thông tin điện tử công bố bản án, kết nối trực tuyến đến 778 điểm cầu thuộc các TAND cấp cao, TAND và TAQS các cấp vào ngày 18/7/2017 vừa qua đã được Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Việc thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án nói chung và việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nói riêng là giải pháp đột phá của hệ thống TAND nhằm nâng cao chất lượng xét xử, tăng cường trách nhiệm và kỷ luật theo tinh thần “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”.

Chủ trương công khai bản án, quyết định trên mạng thông tin điện tử là đòi hỏi cấp chiến lược của cải cách tư pháp, của Hiến pháp và pháp luật, là thông lệ tiên tiến của quốc tế. Đây còn là cơ chế để người dân kiểm soát hoạt động tư pháp nói chung và công tác của Toà án nói riêng, là con đường giúp Thẩm phán tự nâng cao trách nhiệm, trình độ, qua đó tuyển lựa và chọn lọc một cách chính xác các Thẩm phán có năng lực và trình độ, góp phần xây dựng đội ngũ Thẩm phán thanh liêm, đủ tâm, đủ tầm. Việc Tòa án công bố các bản án, quyết định cũng nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án, là phương thức để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tăng cường sự giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của Tòa án.

“Vấn đề tư pháp là ở đời và làm người”

Nói vậy không có nghĩa hệ thống TAND các cấp không còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như trong Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác TAND năm 2017 đã chỉ rõ: TAND các cấp vẫn chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan; việc tạm đình chỉ vụ án còn nhiều; vẫn còn bản án tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp; còn để xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức Tòa án vi phạm đạo đức, kỷ luật công vụ và thậm chí vi phạm pháp luật…

Không né tránh mà đối diện với thực tế, nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết vấn đề nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng hợp pháp của công dân, củng cố niềm tin vào công lý của dư luận và người dân, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo sát sao hệ thống TAND các cấp phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, giải quyết các đơn kêu oan có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình theo yêu cầu của Nghị quyết số 69 và 96 của Quốc hội; xác minh và minh oan cho một số trường hợp được xét xử từ nhiều năm trước và dư luận rất quan tâm, điển hình như: vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh hay vụ ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang. Đồng thời, để tránh bỏ lọt tội phạm, trong quá trình giải quyết các đơn kêu oan, TANDTC đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành xác minh một cách kỹ lưỡng, thận trọng và kết luận là không có oan sai đối với một số vụ việc cụ thể, điển hình là vụ ông Trần Văn Vót ở Hà Nam.

Với tinh thần tích cực, chủ động, công tâm, thẳng thắn nhìn nhận những sai sót để kịp thời khắc phục, sửa chữa trong quá trình xem xét, giải quyết các vụ việc oan sai trong thời gian qua đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của Quốc hội; đồng thời, củng cố lòng tin của nhân dân đối với các hoạt động của các TAND. Đối với các yêu cầu bồi thường của người bị oan sai, các Tòa án cũng đã khẩn trương thương lượng về mức bồi thường, tổ chức xin lỗi công khai, hoàn tất thủ tục để chi trả tiền bồi thường cho người được bồi thường theo đúng quy định...

Thế hệ những Thẩm phán và những người làm công tác tư pháp chắc hẳn không ai có thể quên chữ “ở đời” và chữ “làm người” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950, Người nói: "Các chú hiện nay làm công tác tư pháp, công tác xử án. Vậy muốn làm tốt công tác ấy, (...) trước hết phải đề cao lòng thương nước, thương đồng bào, phải căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức''.

 Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đầy tính nhân văn sâu sắc, tư pháp là quyền lực của dân, tồn tại do dân nên làm gì thì cũng phải xuất phát từ đời thường, từ luật pháp cụ thể, đừng quan trọng hoá quá nhưng không được tầm thường nó, phải gắn với đời sống thường nhật của dân, với điều kiện sống, với phong tục, truyền thống tốt đẹp, với tiến bộ xã hội nhưng phải có cái tâm của con người, vì con người. Theo Người, cái gì tốt dù nhỏ cũng phải cố mà làm, cái gì xấu dù có lợi cho cá nhân mình cũng phải cương quyết bỏ, cũng như ở đời nếu cái mình không thích thì cũng không làm cho người, cư xử với người khác như với mình vì mình “làm người”.

Thẩm phán, cán bộ Toà án cũng như những người làm công tác tư pháp cũng sẽ “làm người” và sống cuộc đời bình dị với đầy đủ sắc màu của cuộc sống đời thường. Sống làm người ở đời sao cho không hổ thẹn với lòng, với cái Tâm và trọng trách mà Đảng, Nhà nước  giao, cũng như niềm tin mà nhân dân trao tặng. Để làm được điều đó, lớp lớp thế hệ cán bộ Thẩm phán các TAND, TAQS các cấp vẫn đang ngày đêm chủ động, sáng tạo, chung sức đồng lòng xây dựng TAND, như Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đã khẳng định tại Lễ nhậm chức, nguyện "Xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấm nhuần tư tưởng Bác để xứng đáng là người làm công tác tư pháp