Tạo cơ chế đặc thù không phải là để TP.HCM đóng góp ngân sách ít hơn

Xuân Lan| 14/11/2017 14:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bây giờ tạo cơ chế đặc thù không phải là để TP.HCM đóng góp ít hơn cho ngân sách, mà là tạo điều kiện để TP phát triển nhanh lên và đóng góp nhiều hơn cho cả nước", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

3 thách thức và cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh

Trong Tờ trình gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện đang đối mặt với 3 thách thức lớn. Đầu tiên phải kể đến hạ tầng không theo kịp và cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của TP, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên đã dẫn đến nguy cơ ngập nước và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Áp lực đầu tư cho bệnh viện, trường học ở đô thị đang có 8,485 triệu dân cũng rất lớn. Khó khăn thứ hai là khả năng thu hút, phát huy đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao trong phát triển các ngành, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm triển khai các chiến lược phát triển TP còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, sức cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP 10 năm liên tiếp thấp hơn bình quân cả nước. Giai đoạn 2011 - 2015, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của TP giảm 32% so với giai đoạn 2006 - 2010. Chỉ với những nguồn lực hiện có thì TP Hồ Chí Minh rất khó (nếu không muốn nói là không thể) giải quyết được những vấn đề này cũng như tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn để đóng góp lớn hơn cho đất nước.

Để giải quyết 3 khó khăn, thách thức nêu trên, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm phân cấp, phân quyền cho TP Hồ Chí Minh trong 4 nội dung, đó là: Quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; và cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Tạo cơ chế đặc thù không phải là để TP.HCM đóng góp ngân sách ít hơn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu thảo luận tại tổ sáng 14/11

Theo đó, HĐND TP Hồ Chí Minh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP. Cả hai thẩm quyền này hiện thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, HĐND TP được quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng ngân sách của mình.

Đáng lưu ý nhất nhất trong dự thảo Nghị quyết vẫn là những cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách. Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm các nội dung sau: (1) xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; (2) tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành; (3) thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí; (4) tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí so với mức thu trong danh mục Luật Phí, lệ phí quy định. Toàn bộ số thu tăng thêm này ngân sách thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng KT - XH và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố. Để có thêm dư địa huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, TP Hồ Chí Minh cũng muốn được nâng mức dư nợ vay từ không quá 70% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp theo quy định hiện hành lên không quá 90%; ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất.

TPHCM là đầu tàu đi chậm, các toa chậm theo

Tại phiên họp tổ Quốc hội hôm nay 14/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hiện TP.HCM thu ngân sách lớn nhất nước và tỉ lệ điều tiết về Trung ương cũng lớn nhất. Theo dõi quá trình phát triển chung của TP, Chủ tịch Quốc hội cho rằng TP.HCM điều tiết dưới 20% không thể nào phát triển được nhanh.

“Tôi cho rằng với TP.HCM, nếu điều tiết ngân sách mà chỉ được giữ lại dưới 20% thì phát triển rất chậm. Đã đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng động lực mà đi chậm thì cả toa sau đi chậm theo. Cho nên quy định cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không phải chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước. Phải tiếp cận ở nhận thức như vậy, chúng ta mới thoát ra được”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo tỉ lệ phân chia ngân sách hiện nay, TP.HCM chỉ được giữ lại 18%, còn lại 82% là điều tiết về ngân sách trung ương. Với tỉ lệ này, TP rất khó có thể bứt phá, vì thiếu vốn đầu tư.

"Bây giờ tạo cơ chế đặc thù không phải là để TP.HCM đóng góp ít hơn cho ngân sách, mà là tạo điều kiện để TP phát triển nhanh lên và đóng góp nhiều hơn cho cả nước", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc "tạo động lực nhưng không được làm giảm tính cạnh tranh của TP, chứ nếu điều chỉnh chính sách mà các nhà đầu tư lại bỏ TP.HCM đến các tỉnh lân cận thì cũng không được".

Về chủ trương, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các lĩnh vực TP được phân cấp quyết định mạnh hơn như về đất đai, thuế..., trong đó có vấn đề thuế tài sản.

Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân cũng bày tỏ quan điểm cá nhân là không nên đề xuất tăng tất cả các loại thuế, bởi như vậy có thể tăng thu lên nhưng lại làm giảm tính cạnh tranh của TP.

"Cá nhân tôi không đồng tình nếu tăng đều các loại thuế. Chỉ nên nghiên cứu với một số loại thuế, ví dụ như xe cộ đông, xả thải lớn như vậy, thì có thể nghiên cứu để tăng thuế bảo vệ môi trường lên", Chủ tịch Quốc hội nói.

Tăng thu nhập cho cán bộ, công chức

Về việc cho phép HĐND thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, Uỷ ban đề nghị chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm so với mức lương cơ bản. Điều này nhằm thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, giữ nguyên chính sách chung của cả nước.

Tạo cơ chế đặc thù không phải là để TP.HCM đóng góp ngân sách ít hơn

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) bày tỏ sự đồng thuận khi đưa ra các lý giải cụ thể: "Thứ nhất là chi phí sinh hoạt ở TP.HCM cao, với đồng lương hiện nay thì công chức cũng khó khăn. Thứ hai là thu nhập thấp thì những cán bộ, công chức giỏi có thể chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân, do đó TP không thu hút được người tài", ông Phương nói.

Đòng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng nêu quan điểm:"Khi trả phần thu nhập tăng thêm theo vị trí việc mà thì vẫn đảm bảo được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn đảm bảo được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước". 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng phân tích: "Về thu nhập, cũng có những ý kiến băn khoăn là nếu cho phép TP.HCM quyết định thu nhập tăng thêm mà cao hơn cả tiền lương thì sẽ tạo ra chênh lệch rất lớn đối với các tỉnh, TP khác. Tôi nghĩ rằng nếu qua thí điểm ở TP.HCM mà tạo ra được động lực, giúp chúng ta cải cách tiền lương thì đó là điều hay".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ chế đặc thù không phải là để TP.HCM đóng góp ngân sách ít hơn