Tái cơ cấu nền kinh tế: Cần huy động nguồn lực xã hội

Thu Phương| 02/11/2016 16:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phiên họp toàn thể tại Hội trường sáng 2/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về nội dung kinh tế-xã hội, tái cơ cấu kinh tế.

Thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao bản kế hoạch của Chính phủ được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bao gồm quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ.

Trên cơ sở đánh giá báo cáo của Chính phủ, có ý kiến đề nghị cần bổ sung các phân tích mặt được, chưa được, tác động cụ thể, mức độ rủi ro, tính khả thi và nguồn lực để thực hiện ba kịch bản tái cơ cấu được nêu trong kế hoạch, trong đó nhấn mạnh vấn đề huy động nguồn lực xã hội nhất là từ khu vực tư nhân trong các nội dung của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhà nước cần định hướng, dẫn đường cho quá trình tái cơ cấu

Nhất trí với Báo cáo thẩm tra Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế là một quyết định đúng đắn của Nhà nước. Qua hơn 5 năm thực hiện, việc tái cơ cấu nền kinh tế đã có những đóng góp tích cực, giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn. Việc chọn 3 khâu đột phá trong tái cơ cấu là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tái cơ cấu nền kinh tế: Cần huy động nguồn lực xã hội

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng). Ảnh: VGP

Tuy vậy, tái cơ cấu vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra. Ngoài những yếu kém, hạn chế đã được đề cập trong đánh giá của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu là việc chưa tạo được nhận thức từ Trung ương xuống địa phương về tầm quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Việc xây dựng tái cơ cấu còn mang nặng tính hình thức. Tại các địa phương, tình trạng coi tái cơ cấu là việc của Trung ương khá phổ biến. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cần quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tái cơ cấu kinh tế đối với các cấp, các ngành; coi việc tham gia quá trình tái cơ cấu nền kinh tế là trách nhiệm của chính mình.

Nguyên nhân thứ hai theo đại biểu là tái cơ cấu chưa được coi trọng, chưa thu hút được sự tham gia của cả xã hội, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. “Nguồn lực Nhà nước thì có hạn nhưng nguồn lực xã hội là cực kỳ lớn. Nếu được tham gia vào quá trình tái cơ cấu thì chắc chắn các nguồn lực xã hội sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước”, đại biểu Phùng Văn Hùng khẳng định.

Theo đại biểu, trong tái cơ cấu, Nhà nước trước tiên phải làm nhà kiến tạo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng; đồng thời đưa ra các chính sách có tính chất đòn bẩy thu hút nguồn lực xã hội vào những lĩnh vực ưu tiên. Nhà nước phải là người định hướng, dẫn đường cho quá trình tái cơ cấu. Doanh nghiệp phải đóng vai trò quyết định, đóng góp nguồn lực chủ yếu cho tái cơ cấu. Bằng cách làm này, nguồn lực quốc gia sẽ được tái cơ cấu, phân bổ lại một cách hợp lý theo quy luật của thị trường.

Trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ dự kiến cần một nguồn lực tái cơ cấu lên đến trên 10,5 triệu tỷ đồng. Nếu không có sự tham gia của khối kinh tế ngoài nhà nước thì hiệu quả và tính khả thi của tái cơ cấu sẽ không cao. Đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng, khi Nhà nước làm được vai trò của một nhà kiến tạo liên kết và hành động như Thủ tướng Chính phủ tuyên bố thì sẽ là động lực để khối doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia bởi đó cũng chính là lợi ích của các doanh nghiệp.

Đại biểu nêu hiện chưa có một cơ quan chính thức có đủ thẩm quyền điều phối, kiểm tra đôn đốc thực hiện; chưa có sự phân công cụ thể, chưa đưa ra được tiến độ, lộ trình thực hiện tái cơ cấu và một cơ chế giám sát hiệu quả. Đại biểu mong muốn tại kỳ họp này Quốc hội sẽ đưa ra một Nghị quyết riêng về tái cơ cấu. Đồng thời, Chính phủ sẽ thành lập một cơ quan chỉ đạo chuyên trách, tinh gọn ở Trung ương với người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, tại địa phương thành lập cơ quan cấp tỉnh với người chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh.

Phân tích tính khả thi của các kịch bản tái cơ cấu

Về các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế được đưa ra trong Kế hoạch, một số ý kiến đề nghị bổ sung trong nội dung của Kế hoạch việc đánh giá tác động cụ thể, phân tích mức độ rủi ro, tính khả thi và nguồn lực thực hiện của cả ba kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế (cơ bản, quyết liệt, đẩy mạnh) để bảo đảm tính thuyết phục cao hơn trong việc lựa chọn phương án phù hợp. Đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị chọn kịch bản tái cơ cấu quyết liệt vì phù hợp với tiêu chí Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ. Trong kịch bản đẩy mạnh tái cơ cấu, chỉ tiêu lạm phát là 4,89%, cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra 4,5%. Ở kịch bản tái cơ cấu quyết liệt, tỷ lệ tham gia của vốn Nhà nước trong số vốn 10,5 triệu tỷ đồng đầu tư toàn xã hội là 30-35%, ít nhất so với các kịch bản còn lại là 37-38%.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cũng nêu ý kiến: Chính phủ cần phân tích sâu hơn những thuận lợi cũng như thách thức, khó khăn tiềm ẩn từ đó đánh giá được tính khả thi của mỗi kịch bản.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong Kế hoạch tái cơ cấu cần làm rõ cơ sở nào xác định 11 sản phẩm nông lâm thủy sản, 7 ngành dịch vụ, 13 ngành công nghiệp ưu tiên tái cơ cấu. Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi thông qua việc cải thiện chất lượng dịch vụ công, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai, thuế, khuyến khích đổi mới áp dụng công nghệ, sáng tạo.

Vấn đề tái cơ cấu đầu tư công gắn với tiềm năng phát triển vùng, địa phương cần gắn định hướng đầu tư công cho 6 vùng trong báo cáo đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ theo từng nhóm, ngành ưu tiên đã được xác định. Việc này nhằm làm rõ việc tái cơ cấu kinh tế gắn với xác định tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hình thành những tập đoàn lớn, vững mạnh, phát triển những sản phẩm ưu tiên cho xã hội.

Về sử dụng, phân bổ nguồn ngân sách từ cổ phần hóa và thoái vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu đề nghị, thời gian tới, nguồn vốn này cần được phân cấp cho địa phương để sử dụng phân bổ vào phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu kinh tế địa phương.

Có biện pháp giải phóng nguồn lực trong dân

Theo đại biểu Lê Quân (Hà Nội), Kế hoạch cần chỉ rõ 3 khâu quan trọng để giải phóng nguồn lực trong dân: Thứ nhất, cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, chỉ giữ những doanh nghiệp quan trọng để đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh phúc lợi. “Hiện nay vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư. Mặt khác, Chính phủ nên ưu tiên dùng vốn đó cho đầu tư hạ tầng, phát triển nhân lực là một trong hai khâu được chọn làm trọng tâm đột phá”, đại biểu Lê Quân phát biểu. Thứ hai, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, vì hiện giải pháp này còn mờ nhạt, trong khi hợp tác công tư giúp nhanh chóng thu hút nguồn lực xã hội vào dịch vụ công, tạo đột phá cho phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, giáo dục, văn hóa, y tế, du lịch… Thứ ba, trong Kế hoạch cần mạnh dạn đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Với những đơn vị tự chủ phát triển tốt thì giao tự chủ phát triển, tiếp tục đầu tư còn những đơn vị khác có tình trạng chồng chéo, nguồn thu chủ yếu từ việc cho thuê tài sản công thì nên cổ phần hóa, thu hút đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư.

Tái cơ cấu nền kinh tế: Cần huy động nguồn lực xã hội

Đại biểu Lê Quân (Hà Nội)

Đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) đồng ý với quan điểm tái cơ cấu gắn với mô hình tăng trưởng. Theo đại biểu, tái cơ cấu sẽ đưa nền kinh tế nước ta vào thế chủ động độc lập, tự do bang giao, không phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn khác, đem lại chất lượng sống, phồn thịnh, hạnh phúc cho người dân. Đại biểu cũng đề nghị bên cạnh việc sáng tạo khởi nghiệp, hoặc hình thành nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục tiêu năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, Chính phủ nên ủng hộ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có thể đảm bảo thương hiệu quy mô, khẳng định được vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Về tái cơ cấu kinh tế Nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, đại biểu đề nghị sớm hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước về kinh tế, chức năng chủ sở hữu. Bên cạnh đó, cần hình thành doanh nghiệp tại địa phương có chức năng đại diện Nhà nước, sát cánh cùng các cơ quan Trung ương, vận hành và huy động nguồn lực của Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế.

Đại biểu cho rằng, nguồn tiền từ cổ phần hóa Nhà nước cần sử dụng đúng mục đích ý nghĩa là đầu tư phát triển. Nếu sau khi thiết lập các quỹ liên quan, đưa vào lập ngân sách và sử dụng cho chi thường xuyên thì sẽ không được bảo tồn nguồn vốn từ khâu vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đại biểu kiến nghị phải tính toán nguồn vốn theo hướng xác lập vốn động lực và người thụ hưởng. Động lực thứ nhất là khối kinh tế tư nhân, thứ hai là khối kinh tế nhà nước, thứ ba là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thứ tư là kinh tế tập thể và nông dân. Người thụ hưởng chính là người dân Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu nền kinh tế: Cần huy động nguồn lực xã hội