Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Trách nhiệm bồi thường

Ngọc Mai| 20/06/2017 13:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với sự tán thành cao của đại biểu Quốc hội, 2 bộ luật quan trọng là Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng nay (20/6).

Thông qua Luật Trợ giúp pháp lý

Với 93,28% đại biểu tán thành, sáng 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý.

Luật có 8 chương, 51 điều, quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

Hoạt động trợ giúp pháp lý phải tuân thủ nguyên tắc: Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, Luật quy định nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm: Nguồn ngân sách Nhà nước; đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các dự án hợp tác quốc tế và các nguồn hợp pháp khác (nếu có). Kinh phí ngân sách Nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức, cá nhân tự nguyện thực hiện do nguồn lực của tổ chức, cá nhân bảo đảm. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Trách nhiệm bồi thường

Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Trợ giúp pháp lý

Ngoài ra, Luật quy định quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Theo đó, người thực hiện trợ giúp pháp lý có các quyền và nghĩa vụ: Thực hiện trợ giúp pháp lý; được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật; được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý…

Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tận tâm, tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ vụ việc liên quan đến yêu cầu trợ giúp pháp lý, các tình tiết của vụ việc và các quy định của pháp luật có liên quan. Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng.

Luật cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương; bảo đảm số lượng người làm việc, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm về trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với các hành vi của tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý; không thực hiện trợ giúp pháp lý; thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật; thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật…

Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)

Với 92,46% số đại biểu có mặt tán thành, sáng 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Luật có 9 chương, 78 điều, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án;

Thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước.

Luật quy định nguyên tắc bồi thường của Nhà nước được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường hoặc theo thủ tục tố tụng. Nhà nước giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án theo quy định của Luật này.

Luật cũng quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường. Theo đó, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính…

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu một trong các cơ quan quy định tại Khoản 7 Điều 3 của Luật này, giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường.

Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Trách nhiệm bồi thường

Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, người bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình. Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường. Chứng minh những thiệt hại thực tế của mình được bồi thường theo quy định tại Luật và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Ngoài ra, Luật quy định quyền và nghĩa vụ của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Theo đó, người thi hành công vụ gây thiệt hại có quyền được nhận các văn bản, quyết định về việc giải quyết yêu cầu bồi thường liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của mình; tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về tố cáo; khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật và kháng cáo bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Đồng thời, người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp này.

Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại…

Ngoài ra, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) còn quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật…

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Trách nhiệm bồi thường