Quốc hội nghe các báo cáo về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng

Nguyễn Cường – Xuân Tùng| 28/10/2016 16:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 28/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo về: công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Các loại tội phạm được kìm chế, kéo giảm đáng kể

Mở đầu buổi làm việc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Về công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2016 với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân với vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân. Hoạt động của các loại tội phạm đã được kìm chế, kéo giảm đáng kể, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Số vụ án khởi tố mới là trên 70.430 vụ, hơn 102.441 bị can. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số địa bàn, lĩnh vực còn diễn biến phức tạp. Các thể lực thù địch bên ngoài tăng cường lôi kéo, kích động tập trung đông người gây rối an ninh trật tự.

Quốc hội nghe các báo cáo về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội

Các lực lượng chức năng đã giải quyết 89,01% các tin tố giác báo tội phạm, kiến nghị khởi tố. Chất lượng công tác điều tra xử lý các loại tội phạm tiếp tục chuyển biến tích cực; triệt phá 4.172 băng nhóm tội phạm xâm phạm trật tự xã hội; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội đạt 82,42%. Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo niềm tin trong nhân dân. Công tác điều tra các vụ án kinh tế tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã được cơ quan điều tra các cấp khẩn trương điều tra, kết luận, chuyển Viện kiểm sát truy tố. Đồng thời, tiếp tục phát hiện, điều tra làm rõ, nhiều vụ án kinh tế lớn được dư luận quan tâm. Cơ quan điều tra các cấp đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật đảm bảo tôn trọng quyền bào chữa của người tạm giam, tạm giữ trong hoạt động điều tra. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý hơn 93 nghìn vụ, giảm 5,18% số vụ so với năm 2015.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá vi phạm pháp luật chưa giảm, diễn ra còn khá phổ biến, đa dạng, phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là vi phạm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, môi trường, an toàn thực phẩm, tài chính, thuế, đất đai, thương mại, bảo hiểm…

Kiến giải về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng diễn biến tình hình tội phạm thời gian qua là do tình hình kinh tế còn khó khăn, thiếu việc làm tạo áp lực lớn đến xã hội. Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở, nhất là lĩnh vực tài chính, thuế, giao thông, an toàn thực phẩm…; sự phối hợp giữa gia đình nhà trường trong giáo dục nhân cách sống cho giới trẻ còn hạn chế. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa quyết liệt chỉ đạo trong thanh tra giám sát phòng chống tội phạm. Công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nhân dân, trong cơ quan, gia đình có nơi có lúc chưa hiệu quả…

Ngành kiểm sát đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Quốc hội đề ra

Tiếp đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã báo cáo về công tác năm 2016 của ngành. Báo cáo nêu rõ, năm 2016, ngành kiểm sát đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật; đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm theo các nghị quyết của Quốc hội. Nổi bật, ngành kiểm sát đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và hoạt động điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền. Toàn ngành kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ 100% các hồ sơ và quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thực hành tốt hơn quyền công tố, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đúng pháp luật. Ngành kiểm sát đã bảo đảm 100% vụ án hình sự được kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội. Trách nhiệm thực hành quyền công tố tiếp tục được tăng cường, gắn chặt hơn với hoạt động điều tra; số lượng, chất lượng yêu cầu điều tra được nâng lên; thận trọng, chủ động phúc cung để làm rõ chứng cứ buộc tội, gỡ tội… qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, vượt 9,99% so với chỉ tiêu. Chất lượng truy tố của Viện Kiểm sát được nâng lên, giảm đáng kể tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung (3,67%). Chất lượng giải quyết án của Viện Kiểm sát tiếp tục đạt cao, tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, vượt 4,9% so với chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, trong công tác điều tra tội phạm, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý 169 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền; đã giải quyết 126 tố giác, tin báo. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định khởi tố 30 vụ án hình sự, trong đó có 16 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp; thụ lý điều tra 46 vụ với 43 bị can, trong đó có 35 vụ với 38 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp (76%); đã xử lý 31 vụ với 24 bị can… Ngoài ra, ngành kiểm sát đã tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp chống oan, sai ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố…

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, ngành kiểm sát tập trung thực hiện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; giảm số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng; tạo chuyển biến nâng chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự ngành kiểm sát thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…

Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và tiến bộ

Báo cáo về công tác năm 2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong năm, cơ bản ngành tòa án đã hoàn thành hầu hết các yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã triển khai sâu rộng và nâng cao công tác tranh tụng tại phiên tòa; chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ.

Quốc hội nghe các báo cáo về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội

Cụ thể, về công tác xét xử, các Tòa án đã giải quyết 432.441 vụ án các loại trong tổng số 463.152 vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ 93%. Số vụ án còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. Công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục có những chuyển biến, tiến bộ; đã hạn chế ở mức thấp nhất số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan. Các Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời các vụ án về tham nhũng, kinh tế và nhiều vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm. Việc tranh tụng tại các phiên tòa được đẩy mạnh; số lượng các phiên tòa xét xử lưu động và các vụ án dân sự hòa giải thành đều cao hơn cùng kỳ năm trước.

Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao đã giải quyết 4.151/13.624 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Chất lượng giải quyết được đảm bảo, hạn chế đến mức thấp các trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 93.056 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (đạt tỷ lệ 99,8%); quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho hơn 62.000 phạm nhân do cải tạo tốt; quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với 2.768 phạm nhân. Việc thực hiện bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các Tòa án đã thụ lý 8 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án, giải quyết dứt điểm 2 vụ. Lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao cũng đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vụ việc còn lại, trong đó có một số vụ việc oan sai được xét xử từ nhiều năm trước nhưng mới được phát hiện bị oan và dư luận rất quan tâm…

Nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết ngành tiếp tục quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp và xây dựng Đảng. Ngành tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo các phán quyết của Tòa án đúng pháp luật, bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân; phấn đấu không để xảy ra oan và bỏ lọt tội phạm. Ngành tòa án tiếp tục giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời hạn quy định, khắc phục triệt để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn và hướng dẫn áp dụng thông nhất pháp luật; tổ chức, triển khai thực hiện các luật có liên quan đến hoạt động của Tòa án...

Chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự

Báo cáo về công tác thi hành án năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Năm 2016, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện và công tác thi hành án dân sự, hành chính, hình sự, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 cũng như tích cực triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, về kết quả thi hành án dân sự: Tổng số việc phải thi hành là 821.216 việc; kết quả phân loại có 675.429 việc có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 82,25%. Thi hành xong 530.428 việc (tăng 30.388 việc), đạt tỷ lệ 78,53%. Tổng số tiền phải thi hành là 133.618 tỷ đồng; kết quả phân loại có 86.253 tỷ đồng có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 64,55%. Thi hành xong 29.097 tỷ đồng (tăng 7.800 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 33,74%.

Về thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, đã thi hành xong 3.348 việc, thu được 19.654 tỷ đồng (tăng 305 việc, tăng 3.860 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015), đạt tỷ lệ 17,35% về việc và 24,99% về tiền. Về xét miễn, giảm thi hành án, đã xét miễn, giảm tổng số 7.171 việc, tương ứng với 152 tỷ đồng (giảm 1.067 việc và giảm 113 tỷ đồng). Đối với tổ chức cưỡng chế thi hành án, đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 11.901 trường hợp (giảm 673 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015). Sau khi có quyết định cưỡng chế có 1.428 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án... Bên cạnh đó, các cơ quan Thi hành án dân sự đã phối hợp với Thừa phát lại thực hiện tống đạt 264.884 văn bản và tổ chức thi hành án đối với 82 việc.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính được giao theo Nghị quyết của Quốc hội. Các cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cơ quan thi hành án dân sự; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ. Về triển khai chế định Thừa phát lại, các cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục triển khai thực hiện chế định; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sớm xem xét phê duyệt Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại của các địa phương. Nâng cao chất lượng đội ngũ Thừa phát lại. Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại...

Kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, công tác phòng chống tham nhũng đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng.

Về việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Từ tháng 1/10/2015 đến tháng 30/9/2016, các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 257 vụ án, 710 bị can phạm tội về tham nhũng.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp phòng chống tham nhũng đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng và các quy định của Luật phòng chống tham nhũng; kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng với những bước đi vững chắc, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… Kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Xác định rõ phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cơ bản tán thành với báo cáo của các cơ quan tư pháp

Báo cáo thẩm tra các nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Năm 2016, nước ta diễn ra nhiều sự chính trị trọng đại, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ; phòng chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trên các mặt công tác và đề ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên một số nội dung trong báo cáo cần phải hoàn thiện thêm.

Quốc hội nghe các báo cáo về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Còn về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, năm 2016, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế. Bộ máy nhà nước ngày càng được kiện toàn, hoạt động minh bạch, công khai hơn. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, góp phần phòng, chống tham nhũng. Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước được phát hiện, xử lý. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng tiếp tục được phát huy.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”. Nhiều tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu từ những năm trước nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Đó là thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả. Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Việc nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu chậm chuyển biến…

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội nghe các báo cáo về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng