Quản lý nợ công: Cần hoàn thiện pháp luật tiệm cận dần theo tiêu chuẩn quốc tế

Thanh Vân| 23/10/2016 12:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, chiều 22/10, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Tổ về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020.

Kỷ luật tài chính cần đặt ra nghiêm túc

Các đại biểu thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân các mặt hạn chế của việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm, cho rằng kỷ luật tài chính thời gian qua chưa nghiêm, nhiều chính sách chi được ban hành nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực; nhiều khoản chi vượt dự toán khá lớn; tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, lãng phí còn nhiều; việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn còn lớn. Đại biểu nhìn nhận 5 năm qua, tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP có sự giảm sút nhanh so với giai đoạn trước đây. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ huy động từ thuế, phí chiếm khoảng 20 – 21% GDP. Vừa qua, áp lực một phần do nguồn thu giảm sút, phần do chính sách miễn giảm thuế với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên nhiều khoản đã không được thu. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nguồn thu ngân sách giảm sút, từ đó tạo áp lực lớn đến bội chi ngân sách thời gian qua.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), miễn, giảm thuế là chính sách để tạo điều kiện tháo gỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách miễn, giảm thuế cần nhìn nhận ở góc độ chính sách nào tạo động lực cho nền kinh tế và chính sách nào không tạo ra nguồn thu cho ngân sách. Chính phủ nên có đánh giá nghiêm túc về các giải pháp miễn, giảm thuế. Hiện chúng ta đã ban hành nhiều cơ chế, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng được miễn, giảm thuế. Cần làm rõ khoản nào tác động đến tăng trưởng kinh tế thì tiếp tục duy trì, khoản nào không tạo động lực cho nền kinh tế thì nên kết thúc, để tạo nguồn thu, đưa vào đầu tư, tạo sự phát triển mới.

Các đại biểu cũng bày tỏ không hài lòng với việc “tiền trảm, hậu tấu” trong quyết toán ngân sách, cách làm này khiến đại biểu bức xúc, xem như đã chi rồi và Quốc hội quyết toán. Hầu như các khoản chi này đều vượt, không phù hợp với mục tiêu phát triển và không đáp ứng yêu cầu đề ra, kỷ luật tài chính thiếu nghiêm khắc. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết kiến nghị để tạo kỷ cương rõ nét cho vấn đề này hơn, tới đây, phải xử lý nghiêm trường hợp nào chi vượt kế hoạch, không đúng định mức, đặc biệt là vấn đề giải ngân của từng công trình.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, qua giám sát của Quốc hội đối với vấn đề đầu tư xây dựng cho thấy nhiều công trình lãng phí, dàn trải. Một số công trình vốn ODA vượt dự toán rất nhiều. Đây là những vấn đề cần xử lý nghiêm, có quy định chặt chẽ, để khi xây dựng dự toán có tính trách nhiệm hơn, tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả cho đến khi công trình kết thúc, đưa vào sử dụng; vấn đề kỷ luật tài chính 5 năm tới cần được đặt ra nghiêm túc, tránh dài trải, tránh lãng phí, vượt dự toán gây bất hợp lý.

Quản lý nợ công: Cần hoàn thiện pháp luật tiệm cận dần theo tiêu chuẩn quốc tế

Các ĐBQH thảo luận ở Tổ về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020

Quan tâm đến cơ chế tự chủ và việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Phan Thanh Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng trong tình hình tài chính khó khăn hiện nay, cần phải tạo điều kiện, môi trường để các đơn vị sự nghiệp công lập phát huy tốt nhất năng lực của mình. Điều quan trọng là vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, mà tự chủ tài chính là một phần trong đó.

Nhìn nhận về hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 5 năm tới, đó là tăng trưởng GDP 7,01% và tăng trưởng GDP 6,08%, trong đó phương án của Chính phủ nghiêng về kịch bản 7,1%, các ý kiến cho rằng đây là mục tiêu phù hợp. Tuy nhiên, khi tính toán bổ sung nguồn lực để đạt được mục tiêu này lại chưa đồng bộ. Cùng với việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới, cần phải có sự bố trí nguồn lực và có các giải pháp phù hợp để đạt được kịch bản đã chọn.

Các ý kiến cũng cho rằng Chính phủ cần soát xét lại nguồn phí và lệ phí, nếu tiếp tục đưa tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước trên GDP giai đoạn 2016 – 2020 bình quân 20 – 21% là không có sự chuyển biến. Trong khi rất nhiều giải pháp được đưa ra để tác động tăng thu nhưng lại duy trì tỷ lệ huy động bằng với bằng giai đoạn trước đây. Nếu đã có đề án tái cơ cấu nền kinh tế với các giải pháp quyết liệt thì phải huy động ở mức cao hơn trên cơ sở đánh giá nguồn thu nào còn tiếp tục thu được, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thuế.

Cần nuôi dưỡng nguồn thu

Một nội dung được các đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đó là vấn đề tỷ lệ điều tiết về ngân sách Thành phố với quan điểm giảm tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố từ 23% xuống còn 18% giai đoạn 2017 – 2020 là quá lớn. “Không mong là Quốc hội sẽ xem xét để giữ nguyên tỷ lệ điều tiết là 23%, tôi đồng ý phải có chia sẻ trong điều kiện diễn biến tình hình kinh tế chưa có nhiều khởi sắc, Thành phố cũng phải chia sẻ, tôi cũng nhất trí là giảm nhưng giảm với một mức độ nào đó để đảm bảo cho Thành phố có nguồn lực để đầu tư” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu quan điểm. Bà Tâm đề nghị không giảm quá sâu mà chỉ nên giảm từ 23% xuống còn 21%.

Lý giải thêm, đại biểu cho biết việc giảm đột ngột tỷ lệ điều tiết về ngân sách địa phương khiến nền kinh tế Thành phố không chịu nổi, trở tay không kịp, sẽ tác động đến tăng trưởng bền vững. Muốn tăng trưởng bền vững phải đầu tư chiều sâu, đầu tư hạ tầng, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nếu Thành phố tăng trưởng bền vững sẽ đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế của đất nước.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Phan Thanh Bình cho rằng cần có chính sách hợp lý để nuôi nguồn thu.

Kéo nợ công xuống mức an toàn hơn

Về chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 dưới 4% GDP, các đại biểu cho rằng đây là chỉ tiêu phù hợp. Tuy nhiên, mục tiêu nợ công hàng năm là không quá 65% GDP là không phù hợp. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết lý giải nợ công hiện đang ở mức 62,2% đã là cao, cần đảm bảo mức nợ công tốt hơn trong thời gian tới. Với Việt Nam, nợ công trên GDP tốt nhất là 60%. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nếu không tiếp tục kéo nợ công xuống ở mức an toàn hơn mà nâng lên 65% GDP là không hợp lý, nền kinh tế không bền vững.

Đại biểu Tuyết cũng cho rằng nợ Chính phủ hiện ở mức 50,3% GDP đã là báo động đỏ, tiếp tục đưa lên 55% là không phù hợp, không có sự lành mạnh về điều hành tài chính trong 5 năm tới.

Các đại biểu đồng thuận với giải pháp tài chính 5 năm tới là cấu trúc lại thị trường tài chính, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm. Nhiều ý kiến nhìn nhận quan điểm phát triển nhanh thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, phát triển thị trường chứng khoán là một trong những lối mở cho Việt Nam trong việc huy động nguồn vốn xã hội và đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài. Đại biểu cũng đồng thuận với giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ kế toán và kiểm toán để minh bạch, công khai và lành mạnh trong thị trường chứng khoán, đây chính là kênh mở để có được nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Làm rõ hơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện có một số ý kiến đề nghị nâng trần nợ công, nới trần nợ công sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Chính phủ đã bàn bạc, cân nhắc, tính toán kỹ và quyết định giữ trần nợ công, giữ được ở mức trần này là sự phấn đấu mệt mỏi, gian nan. Chính phủ quyết tâm kéo nợ công hàng năm là 65%, nợ Chính phủ là 55% và nợ nước ngoài quốc gia là 50%. Phó Thủ tướng cho rằng tới đây, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về quản lý nợ công tiệm cận dần theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý nợ công: Cần hoàn thiện pháp luật tiệm cận dần theo tiêu chuẩn quốc tế