Quản lý chặt chẽ đầu tư công, ưu tiên cho các cơ quan tư pháp

Mai Thoa| 23/02/2017 06:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là những nội dung mà nhiều đại biểu đề nghị tại phiên họp thứ 7, UBTVQH cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bước đổi mới quan trọng

Kế hoạch đầu tư công trung hạn được coi là bước đổi mới quan trọng trong việc cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ổn định cân đối vĩ mô… Trước đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng.

 Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch &Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn NSNN giai đoạn 2016 – 2020 được thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí: bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn đối ứng trước; ưu tiên bố trí vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và PPP; chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là phải công khai, minh bạch. Đến ngày 17/2/2017, vẫn còn ba địa phương là Ninh Bình, Thái Bình, Bình Định chưa gửi phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020. 

Qua thẩm tra, Ủy ban TCNS nhận thấy còn nổi lên một số vấn đề như một số nguồn vốn chưa được phân bổ hết; phần lớn vốn đầu tư trung hạn từ nguồn NSNN đã được tổng hợp, phân bổ cho từng dự án. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, đề nghị Chính phủ rà soát, có phương án sớm phân bổ các nguồn vốn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Quản lý chặt chẽ đầu tư công, ưu tiên cho các cơ quan tư pháp

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

 

Theo Ủy ban TCNS, bên cạnh nhiều dự án được bố trí đủ vốn, tuân thủ điều kiện luật định thì một số dự án trong danh mục bố trí vốn chưa thực sự hợp lý, bố trí thiếu vốn so với tổng mức đầu tư, thiếu thông tin về tổng mức đầu tư, quyết định đầu tư, địa phương không đề xuất nhu cầu vốn, chưa ký hiệp định nhưng đã được Chính phủ dự kiến bố trí vốn trung hạn…Vì vậy đề nghị, đối với những dự án tỷ lệ vốn bố trí quá thấp, không đủ khả năng hoàn thành thì cần đưa ra khỏi danh mục để tập trung cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải, dở dang ở nhiều dự án.

Việc thanh toán nợ đọng và thu hồi vốn ứng trước cũng là vấn đề được quan tâm tại phiên họp. Theo Ủy ban TCNS, đến nay, nợ đọng xây dựng cơ bản về cơ bản đã được bố trí đủ nguồn để thanh toán theo quy định. Tuy nhiên, Chính phủ chưa báo cáo rõ số vốn ứng trước tối thiểu phải thu hồi của các Bộ, ngành; số liệu chưa thống nhất giữa phụ lục và báo cáo giải trình,... dẫn đến chưa bảo đảm đầy đủ căn cứ, số liệu để so sánh, đánh giá mức độ tuân thủ của các Bộ, ngành trong việc chấp hành thứ tự ưu tiên trong bố trí nguồn để thu hồi vốn ứng trước. Để chấm dứt tình trạng bố trí vốn dàn trải, gây chậm tiến độ đầu tư, đề nghị Chính phủ khi quyết định đầu tư các dự án mới cần thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công, theo đó, phải bảo đảm bố trí đủ vốn theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Cần kế hoạch tổng thể cho các cơ quan tư pháp

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga nêu vấn đề, qua nhiều cuộc giám sát tại các cơ quan tư pháp, nhiều ý kiến cũng cho rằng Quốc hội giám sát hoạt động tư pháp nhiều nhưng giám sát đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết đưa ra còn rất hạn chế. Như Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã xác định phải từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, đến 2010 phải đủ cho cơ quan tư pháp cấp huyện làm việc, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Nên đề nghị ưu tiên đầu tư cho những cơ quan này trong giai đoạn tới đây.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc bổ sung kế hoạch xây dựng trụ sở 35 Tòa cấp huyện vào kế hoạch đầu tư công trung hạn là rất cần thiết. Bên cạnh nhu cầu đầu tư xây dựng trụ sở 35 Tòa án cấp huyện còn “nợ” từ 2010 đến nay chưa thực hiện thì nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất nói chung của các cơ quan tư pháp rất nhiều, trong đó có nhu cầu đầu tư để đảm bảo điều kiện tối thiểu, để triển khai các Bộ luật mới đã có hiệu lực, là yêu cầu bắt buộc. Đó là vấn đề ghi âm, ghi hình của CQĐT tới đây phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Còn đối với Tòa án, tới đây phải công khai bản án trên hệ thống mạng hay việc tiếp nhận đơn và trả lời đơn thư công dân qua mạng, triển khai phòng xét xử thân thiện.

Chánh án TANDTC cũng cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 200 ngàn vụ ly hôn, trong khi đó ly hôn là vấn đề của gia đình, xã hội nếu đưa ra tòa xét xử như hình sự thì không thể được. Vậy nên triển khai Luật phải thực hiện việc xét xử ở các phòng xử thân thiện cho những đối tượng là trẻ vị thành niên và giải quyết án hôn nhân gia đình.

 Còn về công khai các bản án trên hệ thống điện tử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin của Tòa án hiện nay, với số lượng án khoảng hơn 400 ngàn bản mỗi năm thì việc đăng tải công khai bản án trên hệ thống thông tin điện tử chỉ được khoảng 1 năm rưỡi là đầy. Nên những quy định của luật bắt buộc phải thực hiện nhưng đầu tư cơ sở vật chất như thế nào lại là điều vô cùng khó khăn.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc đầu tư công cho các cơ quan tư pháp cần phải có bài toán tổng thể, chứ không thể xin đầu tư theo kiểu từng việc, từng hạng mục như hiện nay. Do vậy cần phải có một cơ chế nào đó và UBTP cũng đã từng có ý kiến và theo thông tin từ Bộ Tài chính, mỗi năm các cơ quan tư pháp thu tất cả các khoản từ hoạt động phòng chống tội phạm (khoảng 7.000 tỷ đồng). Nếu như Quốc hội cho phép dùng nguồn kinh phí này một vài năm để đầu tư cho các cơ quan tư pháp thì mới có thể giải quyết tổng thể vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến, trên tinh thần UBTVQH sẽ cho nguyên tắc, còn danh mục cụ thể Chính phủ lựa chọn căn cứ vào thực tế để giải quyết nhưng Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện. Chính phủ cần phải có những phương án phù hợp trong sắp xếp thứ tự các dự án, phân bổ ngân sách, nhất là những dự án còn "vênh" giữa Trung ương với các dự án mà địa phương đề xuất; giữa nguồn vốn còn chưa cân đối giữa sự bố trí của Trung ương và đề xuất bố trí vốn của địa phương. Việc 35 Tòa án, 33 VKSND cấp huyện phải đi thuê trụ sở là không thể chấp nhận được nên phải ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đề nghị cần quan tâm đầu tư cho lĩnh vực tư pháp, khắc phục tình trạng thiếu thốn như hiện nay. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ đầu tư công, tránh tình trạng lãng phí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản như hiện nay hay tình trạng các dự án đầu tư sau khi phê duyệt, triển khai lại đề nghị tăng vốn, đội vốn rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt chẽ đầu tư công, ưu tiên cho các cơ quan tư pháp