Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương Thanh Hóa trong việc chủ động khắc phục mưa lũ

Thanh Phương| 15/10/2017 23:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 15/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thị sát tình hình ứng phó với áp thấp nhiệt đới và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra tại tỉnh Thanh Hoá.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương Thanh Hóa trong việc chủ động khắc phục mưa lũ

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đi kiểm tra các điểm sạt lở trên đê sông Chu và sông Cầu Chày

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã đi kiểm tra các điểm sạt lở trên đê sông Chu và sông Cầu Chày, đoạn qua huyện Thọ Xuân và biểu dương sự chủ động trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt của tỉnh Thanh Hoá, huyện Thọ Xuân, đặc biệt là việc xử lý hiệu quả 9 sự cố trên đê sông Chu, 20 sự cố trên sông Cầu Chày, trong đó có những sự cố đặc biệt nghiêm trọng như sạt lở đê sông Chu, đoạn qua xã Tân Trường; lồng mang cống Quang Hoa, đoạn xã Tân Minh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nếu Thanh Hoá không kịp thời đánh chìm chiếc máy ủi, hàn khẩu ngay miệng cống Quang Hoa, gây vỡ đê sông Chu thì gần nửa triệu người dân Thanh Hoá ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định sẽ ngập chìm trong lũ, thiệt hại sẽ không kể siết.

Phó Thủ tướng cho rằng, Thanh Hoá là 1 trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lụt vừa qua cả về số người chết, bị thương, mất tích và số hoa màu, tài sản, cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống đê điều. Do lượng mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, lũ trên các sông đều trên mức báo động 3, tất cả các hồ đập đều vượt thiết kế và tràn nên nhiều nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2007. Mặc dù Thanh Hoá đã xử lý có hiệu quả các sự cố trên đê nhưng hiện tại, các điểm sạt lở này đang hết sức nguy hiểm. Nếu thời gian tới, có thêm các trận mưa lớn, nguy cơ vỡ đê sông Chu, sông Cầu Chày rất cao và sẽ gây thảm hoạ. Trước tình huống cấp bách này, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng tổng hợp, đề xuất lên Chính phủ bố trí nguồn vốn để khắc phục sự cố đê điều tại Thanh Hoá.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương Thanh Hóa trong việc chủ động khắc phục mưa lũ

Các điểm đê xảy ra sự cố đã được xử lý kịp thời

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu tỉnh tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống; đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch cho người dân. Trong chuyến công tác, Phó Thủ tướng đã đến thăm, chia sẻ khó khăn với các hộ gia đình bị ngập trong đợt lũ vừa qua tại xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân và động viên các hộ cố gắng khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống.

Trong sáng 15/10, thông tin từ UBND xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân cho biết: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nước sông Chu dâng cao trong những ngày gần đây trên địa bàn xã đã xuất hiện một số điểm sạt lở bờ sông Chu tại các thôn Quảng Phúc, Hiệp Lực, Đại Đồng với chiều dài hơn 800m.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương Thanh Hóa trong việc chủ động khắc phục mưa lũ

Sạt lở nghiêm trọng tại bờ sông Chu đoạn qua xã Xuân Thiên (Thọ Xuân)

Đến sáng ngày 15/10, một số điểm sạt lở đã ăn sâu vào đất liền hơn 35 m, sát vào nhà dân, có nguy cơ sụt lún và gây nguy hiểm cho các nhà dân. Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Thiên đã báo cáo với lãnh đạo huyện Thọ Xuân và triển khai tổ chức di dời 12 hộ dân với hơn 50 nhân khẩu có điểm sạt lở sát với móng nhà. UBND xã Xuân Thiên cũng đang có phương án di dời tiếp 12 hộ có nguy cơ ảnh hưởng do đất đang sạt lở vào nơi an toàn. Cùng với đó, huy động lực lượng tiến hành cắm cọc làm hàng rào, đặt biển báo nguy hiểm, tổ chức phân công cán bộ trực 24/24h để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trên địa bàn.

Theo chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 17h chiều 15/10, việc xử lý khẩn cấp và gia cố các điểm đê xung yếu bị hư hỏng đã được các địa phương thực hiện xong. Một mặt, để đảm bảo an toàn cho nhân dân sớm ổn định đời sống, sản xuất sau áp thấp nhiệt đới, mặt khác để chủ động ứng phó với bão số 11 được dự báo là đang mạnh dần lên và có khả năng ảnh hưởng đến Thanh Hóa.

Đối với các điểm đê đã được xử lý khẩn cấp, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương cắt cử lực lượng ứng trực 24/24h trong ngày để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố mới. Công tác tuần tra, canh gác tại tất cả các tuyến đê trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện thường xuyên, để chủ động ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương Thanh Hóa trong việc chủ động khắc phục mưa lũ