Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Quy định biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc

PV| 20/04/2017 15:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quy định về cho, biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc vì cá nhân, doanh nghiệp tặng tài sản cho Nhà nước là điều bình thường, quan trọng là người sử dụng có đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn không", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Quy định biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến

Tiếp tục chương trình làm việc sáng nay (20/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về khái niệm tài sản công, phân loại tài sản công; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Bổ sung tiền ngân sách, kho số vào tài sản công

Đối với khái niệm tài sản công, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định khái niệm về tài sản công chưa rõ ràng, chưa bao quát hết tất cả các loại tài sản, chỉ mang tính liệt kê và thiếu tính thống nhất với Hiến pháp 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác; có ý kiến đề nghị không loại trừ tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ ra khỏi khái niệm tài sản công.

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thực tế hiện nay, các đặc trưng cơ bản của tài sản công đã được quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để có cơ sở xây dựng chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công theo kết cấu trong Luật này, ngoài những đặc trưng cơ bản của tài sản công theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp, trong khái niệm về tài sản công cần liệt kê các nhóm tài sản lớn. Tại nhiều nước, khái niệm tài sản công cũng sử dụng phương pháp liệt kê. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo luật. Theo đó, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Để đảm bảo thống nhất, đầy đủ trong khái niệm và phân loại về tài sản công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào khái niệm và phân loại tài sản công đối với nhóm tài sản là “tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước”. Nội dung này được thể hiện tại Điều 1, khoản 1 Điều 3 và khoản 5 Điều 4 của Dự thảo luật.

Đối với phân loại tài sản công, một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; vùng trời, vùng biển; giá trị lịch sử, văn hóa; tài sản vô hình, thương hiệu... vào Điều 4 của dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 6 Điều 4 của dự thảo Luật Tài sản công là “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”. Một số loại tài sản công cụ thể như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình, tài sản giá trị lịch sử, văn hóa, vùng trời, vùng biển... đã thuộc các nhóm tài sản thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoặc tài sản kết cấu hạ tầng hoặc tài sản tài nguyên. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thể hiện tại các điều, khoản cụ thể khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng của từng loại tài sản; đồng thời bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước.

Cấm sử dụng ô tô và tài sản biếu, tặng để phục vụ cá nhân

Một nội dung khác cũng được các đại biểu đưa ra ý kiến, đó là cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng ngay trong Luật. Thực tế hiện nay, một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng; hoặc tài sản được cho, biếu, tặng đúng tiêu chuẩn, định mức, nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định 64/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng và Nghị định 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể về điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp tổ chức, cá nhân tặng cho vẫn có nguyện vọng thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt, đặc biệt đối với tài sản là ô tô và các tài sản phục vụ cho cá nhân. Mặt khác, mặc dù tài sản cho, biếu, tặng đúng tiêu chuẩn, song việc cá nhân sử dụng tài sản này cũng dễ gây nghi ngờ về tính khách quan khi xử lý các vấn đề liên quan đến đơn vị, cá nhân cho, biếu, tặng. Do đó, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 về các hành vi bị cấm như sau: “Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Quy định biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp

Nêu quan điểm về vấn đề này tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, không nên cấm việc cho/biếu/tặng mà quan trọng là sử dụng như thế nào. Tài sản đó được sử dụng cho cá nhân thì không được nhưng nếu đem thanh lý lấy tiền làm việc công thì cũng cần xem xét.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nói: “Tặng xe, phương tiện thấy ở nước ngoài có tặng tổ chức này, tổ chức kia nhưng ở ta việc tặng/biếu có hình thái khác. Do đó, toàn bộ xe cộ tặng/cho/biếu được tập hợp và xử lý nghiêm túc thì không có việc gì xảy ra”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, với một số phương tiện đặc biệt như xe cứu thương tặng cho xã, phường, bệnh viện thì nên quy định riêng vì điều này là rất bình thường.

Liên quan đến nội dung này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng nên nhận tài sản cho/biếu/tặng để tăng tài sản Nhà nước, tuy nhiên, việc trục lợi từ việc tặng này thì đánh giá khó khăn.

Cũng theo bà Hải cho rằng nếu là quà cho, biếu, tặng mà không nhận để tăng tài sản của Nhà nước thì rất phí, nhưng việc trục lợi hoặc đánh giá động cơ sử dụng từ những quà tặng này lại rất khó khăn. "Nếu cho, biếu, tặng, rồi sau đó có mối quan hệ, có hợp đồng kinh tế, có mối liên hệ qua lại thì thực sự rất khó minh bạch. Vì vậy cần có quy định chặt chẽ để động cơ cho, biếu, tặng không ảnh hưởng đến việc trục lợi cá nhân", Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị, để tránh việc trục lợi từ việc cho, tặng, biếu tài sản thì toàn bộ xe, phương tiện được cho, biếu, tặng phải được tập hợp lại và xử lý nghiêm.

Kết luận phần nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, quy định về cho, biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc vì cá nhân, doanh nghiệp tặng tài sản cho Nhà nước là điều bình thường, quan trọng là người sử dụng có đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn không.

“Nếu biếu/tặng không đúng định mức thì không được sử dụng, thừa thì đấu giá sung công quỹ. Ví dụ định mức xe 1 tỷ đồng nhưng nhận xe 3 tỷ đồng mà anh vẫn đi là sai” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Quy định biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc