Phạm vi bồi thường của Nhà nước đang quá rộng

Quốc Huy| 09/06/2017 11:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mở rộng phạm vi bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính khiến nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) băn khoăn về tính khả thi trên thực tế và về cả sự đáp ứng của ngân sách nhà nước.

Nội dung này đã được các ĐB đề cập đến khi thảo luận Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN).

Phạm vi quá rộng

Theo dự thảo Luật TNBTNN, bên cạnh các lĩnh vực tố tụng hình sự, hành chính, dân sự, phạm vi phải bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính bao gồm: Xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật; Áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật: buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; Áp dụng một trong các biện pháp xử lý hành chính trái pháp luật: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;…

Phạm vi bồi thường của Nhà nước đang quá rộng

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh)

ĐB Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng phạm vi  chịu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực về hành chính, tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và sau đó quy định về các cách xác định thiệt hại quá rộng. Trong đó, đáng chú ý là phạm vi bồi thường về lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.

Theo đó, tại Khoản 1, Điều 17 có quy định việc ra quyết định xử phạm vi phạm hành chính trái pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ là một trong những đối tượng để bồi thường. Quy định như vậy phải tính toán thật kỹ, bởi vì để ra được quyết định xử phạm vi phạm hành chính thì phải có biên bản vi phạm hành chính. Trong thực tế biên bản vi phạm hành chính do nhóm cán bộ, công chức thực hiện ngoài hiện trường, người có chức vụ ra quyết định xử lý vi phạm trên cơ sở biên bản đó.

Theo quy định hiện hành, người vi phạm bị xử phạt hành chính nếu không ký vào biên bản thì biên bản đó vẫn có hiệu lực khi có đủ người làm chứng, đủ căn cứ. Trên cơ sở căn cứ vào biên bản này người có chức vụ ra quyết định xử lý vi phạm hành chính liệu có tránh được sai sót hay không?  Rõ ràng với phạm vi vô cùng rộng trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, nếu quy định như dự thảo Luật có thể gây hạn chế đến việc thực thi pháp luật của cán bộ, công chức. Vì vậy, ĐB Đức đề nghị Quốc hội nên xem xét thật kỹ lưỡng vấn đề này trước khi thông qua.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị việc quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cầncân nhắc phù hợp, bảo đảm quyền của công dân nhưng đồng thời phải bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, việc mở rộng cũng cần tính toán đến nguồn chi ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.

Vẫn khó xác định cơ quan giải quyết bồi thường

Về phạm vi TNBTNN trong hoạt động tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng còn nhiều bất cập. Đó là, căn cứ bồi thường chỉ áp dụng cho phạm vi của một công chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi ra bản án trái pháp luật, trong khi phạm vi bồi thường lại vượt xa hơn so với căn cứ. Chẳng hạn, những người thi hành công vụ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng phải bồi thường, nên cần chỉnh lý nội dung thứ 2 Điều 19 dự thảo Luật cho phù hợp.

Cũng theo ĐB Phong, lĩnh vực tố tụng hình sự và tố tụng hành chính hết sức phức tạp, các tranh chấp đa dạng, trong khi pháp luật để điều chỉnh hai lĩnh vực này còn nhiều chồng chéo. Cho nên, phải quy định rõ như thế nào là ra bản án, quyết định trái pháp luật, để khi giải quyết bồi thường tránh những tranh cãi. Ví dụ như thu thập chứng cứ không đầy đủ, đưa thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ tham gia tố tụng, đương sự không hợp tác trong thẩm định tại chỗ… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ra bản án và quyết định sai với pháp luật. Hơn nữa, theo quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án không được từ chối nhận đơn khởi kiện và có quyền xét xử đối với những vụ việc không có điều luật quy định nên lại càng khó đánh giá việc ra bản án là trái pháp luật.

Mặt khác, trong các vụ án dân sự, hành chính nếu việc ra bản án, quyết định không đúng thì sẽ bị giám đốc thẩm, tái thẩm để xét xử lại (việc ra bản án quyết định không đúng sẽ gây thiệt hại cho một bên nhưng đồng thời cũng đem lại lợi ích cho một bên). Nhưng khi xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyền và lợi ích của các bên sẽ được giải quyết lại từ đầu. Như vậy hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật của cấp xét xử trước không còn hiệu lực nên không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân đó. Do đó, không cần thiết phải phát sinh trách nhiệm bồi thường, nên đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý khoản 5 Điều 19 cho phù hợp.

Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, đa số ý kiến thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo Luật theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án Luật, UBTVQH cho rằng, trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan thì Luật hiện hành và dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ hơn để giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng.

Một số ĐB cho rằng, quy định như vậy là chưa thực sự tháo gỡ được một trong những hạn chế, vướng mắc của luật hiện nay. Bởi lẽ,  quy định như vậy đồng nghĩa với việc có rất nhiều cơ quan giải quyết bồi thường dẫn đến việc bồi thường nhà nước sẽ không được thể hiện một cách thống nhất và khó có thể triển khai việc bồi thường một cách khách quan.

Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rõ ràng, rành mạch, cơ quan nào là cơ quan làm trái quy định gây oan sai sau cùng. Thực tế vừa qua cho thấy trong một vụ án oan sai thường là một chuỗi tố tụng liên tục từ điều tra, truy tố, xét xử nhưng chỉ buộc Tòa án phải bồi thường, xin lỗi công khai là chưa thực sự hợp lý.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạm vi bồi thường của Nhà nước đang quá rộng