Những đổi mới đột phá trong hoạt động chất vấn tại Quốc hội năm 2017

Ngọc Mai| 18/02/2018 08:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2017, qua các kỳ họp Quốc hội cho thấy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã có những bước chuyển biến mang tính đột phá cả về nội dung và hình thức, ngày càng đáp ứng sự mong đợi của cử tri cả nước.

Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những hình thức giám sát cơ bản, phổ biến và quan trọng nhất mà Quốc hội sử dụng thời gian qua. Trên thực tế những năm gần đây, qua các kỳ họp Quốc hội cho thấy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã có nhiều bước tiến đáng kể. Điều này đã được minh chứng rõ nét tại 2 kỳ họp diễn ra trong năm vừa qua.

Đổi mới từ hình thức

Tại kỳ họp mới đây nhất- Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, nội dung chất vấn đã có một bước thay đổi căn bản, những lần trước là chủ động xin ý kiến đại biểu nội dung chất vấn, sau đó Quốc hội sẽ chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để chất vấn, trả lời chất vấn. Nhưng kỳ này, trên cơ sở nhìn lại các nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến kỳ họp thứ 10, trong đó chủ yếu là những nội dung thông qua như: Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo của TANDTC; Báo cáo của VKSNDTC; Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác khiếu nại, tố cáo… Thông qua những báo cáo đó, các vị đại biểu xem xét nội dung gì đã làm được và vấn đề nào chưa thực hiện được. Trên cơ sở những nội dung còn tồn tại, chưa giải quyết trong việc thực hiện các Nghị quyết, đại biểu Quốc hội (ĐB) sẽ đặt câu hỏi chất vấn. Do đó, chất vấn sẽ diễn ra đối với bất kỳ thành viên Chính phủ nào khi đại biểu đặt câu hỏi. Đối với những nội dung liên quan đến tổng hợp, một Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chung các nội dung, đồng thời sẽ trả lời nếu có ĐB đặt câu hỏi.

Những đổi mới đột phá  trong hoạt động chất vấn tại Quốc hội năm 2017

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn tại Quốc hội

Đối với người tham gia trả lời chất vấn, trong 5 năm qua, một nhiệm kỳ có 2 lần chất vấn, một lần giữa nhiệm kỳ và một lần cuối nhiệm kỳ sẽ mời tất cả các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chất vấn trực tiếp, các phiên họp đầu năm và cuối năm theo thông lệ chọn nhóm vấn đề, chọn Bộ trưởng để chất vấn. Còn sâu sắc, vấn đề trúng, sôi nổi thế nào là chính ở ĐB. Người chọn vấn đề, chọn ra vấn đề để hỏi, Bộ trưởng cũng phải trả lời đảm bảo cho chính xác, ngắn gọn. Tuy nhiên, trong lần chất vấn gần đây nhất, lần đầu tiên thành viên Chính phủ mới tham gia trả lời chất vấn ngay tại nhiệm kỳ đầu. Điều này thể hiện Quốc hội đã rất dân chủ công khai, không né tránh nhằm giúp các tư lệnh ngành vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.

Tại các kỳ họp Quốc hội diễn ra trong năm 2017, về thời gian, mặc dù Quốc hội vẫn tiếp tục duy trì 3 ngày, dù không tăng số lượng thành viên Chính phủ nhưng sẽ chất vấn dài hơn để các ĐB có điều kiện trao đổi kỹ hơn, sâu hơn, nhiều hơn về các vấn đề mà nhân dân quan tâm. Đặc biệt, trước đây thời gian dành cho Thủ tướng trả lời chất vấn chỉ hơn một giờ, gồm cả thời gian đọc báo cáo chung các vấn đề ĐB quan tâm. Đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được tăng thời gian trả lời chất vấn lên 2 giờ, mới nhất, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV là 145 phút. Việc Quốc hội tăng dần thời gian để Thủ tướng trả lời chất vấn qua từng kỳ họp đã cho thấy bước tiến trong hoạt động chất vấn và sự coi trọng việc đối thoại trực tiếp với các ĐB và cử tri cả nước của người đứng đầu Chính phủ.

Một điểm mới rất đáng lưu ý tại những kỳ họp Quốc hội trong năm 2017 nhằm hạn chế những tồn tại, nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động chất vấn, với quan điểm sẽ truy đến cùng những vấn đề chưa giải quyết, sau khi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn gửi lại khóa sau để tiếp tục đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện những vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực chưa giải quyết xong. Đây là nội dung, hình thức hoàn toàn mới mà trước đến nay Quốc hội chưa làm bao giờ. Điều này thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của Quốc hội hướng đến cải cách hạn chế tối đa những tồn tại trong hoạt động chất vấn từ những kỳ họp trước.

Nâng tầm về chất lượng

Sự thay đổi về chất trước tiên được ghi nhận ở tác phong và kiến thức của người tham gia chất vấn. Nếu như ở những phiên chất vấn diễn ra trong kỳ họp Quốc hội trước đây, còn có trường hợp ĐB đặt câu hỏi không rõ ràng, nặng về diễn giải, có ĐB đặt vấn đề khi chưa chuẩn bị kỹ, không nắm chắc vấn đề, chưa hiểu rõ nguyên nhân, chưa đủ thông tin; nhiều ĐB vẫn còn hỏi dông dài, chưa đi vào trọng tâm câu hỏi. Hay số lượng ĐB chất vấn trong kỳ họp vẫn còn chưa đồng đều. Điều này thể hiện rất rõ ở việc mặc dù số lượng câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ ngày càng tăng, song số lượng ĐB tham gia chất vấn trên thực tế còn ít, chỉ tập trung vào những ĐB có tâm huyết chất vấn, một ĐB vẫn còn có tâm lý sợ nói sai, sợ nói hớ…

Tại các kỳ họp diễn ra trong năm 2017, số lượng ĐB tham gia chất vấn tăng nhiều, phân bố đều tại các Đoàn. Các câu hỏi theo kiểu dẫn giải, vòng vo của ĐB tham gia chất vấn đã giảm đi đáng kể. Thay vào đó, nhiều ĐB hỏi rất thẳng thắn, sắc sảo, đồng thời bày tỏ quan điểm, đề xuất thể hiện sự quan tâm lo lắng đến sự ổn định, phát triển và vận mệnh của đất nước.Ví dụ như tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) khi phát biểu về báo cáo công tác phòng chống tội phạm, thi hành án, phòng chống tham nhũng đã thẳng thắn “Những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và nhiều "củi tươi", "củi khô" vẫn an toàn sau những ồn ào, gây bức xúc xã hội”. Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 đặt vấn đề trước tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp cũng như việc khó xử lý tài sản bất minh của cán bộ trước Quốc hội đã nhấn mạnh: “Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân, do đó cần giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn”. "Cử tri mong các Bộ trưởng, thủ trưởng các địa phương sáng suốt đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, quyết tâm cải tạo bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả", ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) bày tỏ...

Điều quyết định lớn giúp nâng tầm chất lượng các phiên chất vấn phụ thuộc rất lớn vào người tham gia trả lời chất vấn. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, mặc dù không ít lần các ĐB “hỏi khó” và “truy đến cùng” các vấn đề, song Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ và Chánh án TANDTC đã trả lời chất vấn với tâm thế không hề né tránh, đồng thời thể hiện sự sâu sắc, quyết liệt.

Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ khi trả lời chất vấn của ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã khẳng định “Đảng, Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng, không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng”; hay “Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật kỷ cương"; “Cán bộ giao việc mà chậm trễ để dân phải chờ đợi thì kiến tạo cái gì!”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi thông tin thêm cho ĐB liên quan đến vấn đề nợ công đã khẳng định “Chính phủ nói không với việc tăng trần nợ công”. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về vấn đề BOT đã thẳng thắn: "Có làm thì có đúng, có sai. Tuy nhiên, cái tâm của ngành giao thông là vì sự nghiệp chung, không vì lợi ích nhóm, lợi ích tư túi. Những cá nhân nào có vấn đề này thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý"...

Điểm nổi bật tại các phiên chất vấn là nội dung câu hỏi, trả lời và không khí tranh luận giữa người chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra vô cũng sôi nổi, thậm chí “không hề khoan nhượng” để cùng nhau làm rõ những vấn đề được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Điển hình như phiên chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị, Chánh án làm rõ hơn thông tin trong vụ án Châu Thị Thu Nga được đưa ra xét xử mới đây: “Muốn khai mà không được khai tại phiên tòa về việc bị cáo “chạy” vào Quốc hội”. Trước Quốc hội, các ĐB và cử tri cả nước, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã thẳng thắn khẳng định: “Không có gì là giấu giếm hay mờ ám trong vụ án này cả”. Với những giải thích cụ thể, phân tích ngắn gọn sau đó, thể hiện sự am hiểu sâu sắc về pháp luật, Chánh án Nguyễn Hoà Bình đã khiến các ĐB có mặt ở hội trường cũng như cử tri, nhân dân cả nước xem qua truyền hình thấy phấn khởi và "tâm phục, khẩu phục".

Đáp ứng mong đợi của cử tri

Hài lòng và đánh giá cao các phiên chất vấn diễn ra tại các kỳ Quốc hội trong năm 2017, các ĐB đều có chung ý kiến rằng, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng và trưởng ngành đã được nâng lên, thể hiện sự chuẩn bị rất chu đáo cho công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các Bộ, ngành. Hoạt động tranh luận của ĐB được tiếp tục duy trì và phát huy tại phiên chất vấn, hoạt động chất vấn được thể hiện đa chiều hơn thông qua những phần tranh luận mang không khí dân chủ tại nghị trường.

“Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời rất tốt, thẳng thắn đi vào vấn đề và không né tránh, bên cạnh đó còn cung cấp những thông tin khá đầy đủ cho Quốc hội và cử tri về những vấn đề mà Quốc hội và cử tri quan tâm. Đặc biệt là các giải pháp, các chương trình hành động trong thời gian tới. Phần lớn Bộ trưởng, trưởng ngành đã đáp ứng được sự mong đợi của các ĐBQH và cử tri. Các ĐBQH phần lớn đã hài lòng với giải trình trả lời của các Bộ trưởng và trưởng ngành”, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) nói.

Liên quan đến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong năm qua, đặc biệt tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Các phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng, đã có nhiều lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và tham gia tranh luận. ĐB đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đặc biệt là tích cực tham gia tranh luận, không chỉ tranh luận giữa các đại biểu với nhau mà còn tranh luận với các thành viên trả lời chất vấn để làm rõ thêm mội dung của vấn đề nêu ra. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, người đứng đầu Tòa án đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ nhiều vấn đề ĐB đã nêu và thẳng thắn làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm, phạm vi của mình phụ trách. Cam kết tập trung chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những đổi mới đột phá trong hoạt động chất vấn tại Quốc hội năm 2017